Hạnh Phúc ở đâu (Chu Mười sb58)

Hạnh Phúc ở đâu

__________________

Các giáo sư và chuyên gia thường thích dùng những “chữ bự” để nói về những chuyện vốn rất đơn giản trong cuộc sống. Hạnh phúc là một trong những chuyện đơn giản ấy. Đơn giản đến độ chẳng có bậc thông thái nào có thể mang lại cho tôi một định nghĩa thỏa đáng và dứt khoát về hạnh phúc. Nhưng nó cũng đơn giản đến độ, sang giàu hay nghèo cùng, thông thái hay thất học, nổi tiếng hay chẳng được ai biết tới…ai cũng có thể cảm thấy thế nào là hạnh phúc và mức độ hạnh phúc lại chẳng tùy thuộc vào bất cứ yếu tố khách quan nào cả. Nhiều người suy nghĩ một cách đơn giản rằng ngoại cảnh như người thân, bạn bè, của cải, các tiện nghi vật chất mới mang lại hạnh phúc cho nên họ cố gắng tạo ra, cải thiện hoặc duy trì những điều kiện khách quan ấy. Dĩ nhiên, một cuộc sống với những điều kiện vật chất tối thiểu, những quan hệ xã hội tốt đẹp và hài hòa có thể giúp con người cảm nhận được hạnh phúc hơn là bất hạnh và khổ đau. Tuy nhiên, hạnh phúc đích thực lại tùy thuộc ở cái tâm của mỗi người hơn là hoàn cảnh khách quan. Các bậc chân tu luôn chứng minh cho chúng ta điều đó. Họ có thể hạnh phúc mà không lệ thuộc vào những điều kiện vật chất.

Tôi thường nghĩ đến hai bậc chân tu đích thực và nổi bật của thời đại là Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng và Đức Phanxicô, nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo La Mã. Hai vị không cần phải dài dòng để “giảng” về cuộc sống hạnh phúc. Hai vị cũng chẳng cần phải mất giờ để lòng vòng trong những giáo lý cao siêu của tôn giáo của mình. Nhưng tôi tin chắc rằng chỉ cần nhìn vào nụ cười của hai vị, ai cũng cảm nhận được rằng đây là những con người hạnh phúc, thế nào là hạnh phúc và phải sống như thế nào mới hạnh phúc. Cứ nhìn nụ cười đơn sơ, chân thực của Đức Đại Lai Lạt Ma, tôi tin rằng con người đã từng trải qua không biết bao nhiêu đau khổ này, thực sự là một con người hạnh phúc và mới có thể nói cho tôi hiểu được thế nào là hạnh phúc đích thực.

Riêng  Đức Phanxicô mới đây đã tóm tắt  chìa khóa của hạnh phúc trong những công thức lịch sự rất đơn giản của cuộc sống. Trong cuộc gặp gỡ với khách hành hương tại Roma hôm Thứ Tư tuần trước 20 tháng 5 vừa qua,  nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo đã khẳng định rằng “xin vui lòng, cám ơn và xin lỗi” là ba tiếng mà người ta nên viết ở cửa nhà của mỗi gia đình, vì đó là chìa khóa để sống đẹp và sống an hòa cả bên trong lẫn bên ngoài gia đình. Đức Phanxicô nhắn nhủ khách hành hương rằng những tiếng trên đây “chứa đựng một sức mạnh lớn lao có thể bảo vệ gia đình trước hàng ngàn khó khăn và thử thách. Trái lại, khi thiếu chúng, những vết rạn nứt sẽ mở ra và có thể dẫn đến sự sụp đổ”.

Nhà lãnh đạo của Giáo hội Công giáo giải thích về công thức lịch sự “xin vui lòng”: “Để đi vào cuộc sống của người khác, ngay cả người đó là thành phần của cuộc sống của chúng ta, chúng ta cũng cần phải có thái độ tế nhị để không làm phiền hà, mà tái tạo lòng tin và sự tôn trọng”. Theo Đức Phanxicô, tình yêu càng thân mật và thâm sâu càng đòi hỏi phải tôn trọng tự do của người khác và phải chờ đợi người khác mở cửa tâm hồn của mình”. Điều này có thể gom trong câu tục ngữ: “Vợ chồng tương kính như tân”.

Đề cập đến hai tiếng “cám ơn”, ngài ghi nhận rằng thế giới ngày càng tiến đến một nền văn minh của những tư cách nghèo nàn và những lời nói khó nghe…Lịch sự và khả năng “cám ơn” bị xem như một dấu hiệu của sự yếu kém. Nhưng ngài cho rằng phẩm giá của con người và công bằng xã hội đều xuất phát từ hai tiếng ấy.

Cuối cùng, về hai tiếng “xin lỗi”, ngài nói rằng nếu không có hai tiếng này thì những “vết rạn nứt nhỏ sẽ lớn thêm để cuối cùng trở thành những rãnh sâu”. Theo Đức Phanxicô, nhìn nhận những sai lỗi của mình và cố gắng tái lập những gì đã bị đánh mất như sự tôn trọng, lòng thành thật, tình yêu thương sẽ giúp cho con người đáng được tha thứ. Ngài nói: “Nếu chúng ta không biết “xin lỗi” thì điều đó có nghĩa là chúng ta cũng chẳng biết tha thứ. Mà đã không biết tha thứ thì làm sao có được cái tâm an bình và cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc đích thực.

Nghe những lời trên đây và nhìn nụ cười nhân hậu của ngài, tôi cảm nhận được thế nào là hạnh phúc đích thực. Nói chung, các bậc chân tu trước hết là những con người hạnh phúc và họ hạnh phúc vì luôn biết cười, một dấu chỉ của hạnh phúc và cảm thông. Cười với cuộc sống và nhứt là cười với khóc. Nhìn những con người như thế cười, mọi thứ khí giới trong con người tôi, dù có hiểm độc đến đâu, cũng đều được buông xuống ngay.

Dĩ nhiên, cười cũng có 36 kiểu cười. Có những nụ cười mà tôi chỉ có thể gọi là cười đểu mà thôi. Có những nụ cười bí hiểm và ngay cả nham hiểm nữa, khi chúng không thực sự là biểu hiện của an hòa, nhân ái, từ tâm. Trong điển tích xưa, người ta hay nhắc đến nụ cười của nàng Bao Tự, thời nhà Chu (vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên). Trong lịch sử của Đế quốc La Mã, người ta cũng nói đến nụ cười độc ác của bạo chúa Nero khi cho đốt kinh thành La Mã.

Tôi luôn tin ở sức mạnh của những nụ cười chân thực. Tôi tin rằng nếu tôi cố gắng cười một cách chân thực thì không những người khác vui mà tôi cũng cảm thấy hạnh phúc.  Phần lớn đều nghĩ rằng chúng ta cười vì chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Điều ấy đúng. Nhưng điều ngược lại cũng đúng: chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc khi chúng ta cười.

Theo báo Psychologytoday, mới đây các chuyên gia tâm lý đã làm một cuộc thí nghiệm về hiệu quả của nụ cười. Những người  tham gia cuộc thí nghiệm được cho nhìn một loạt những gương mặt có những cảm xúc khác nhau. Không cần biết những gương mặt đó vui hay buồn, hiền hòa hay hung tợn, những người tham gia cuộc thí nghiệm có thể hoặc cười hoặc nhăn mặt nhíu mày. Kết quả cuộc thí nghiệm cho thấy: khi các tham dự viên cười thì những gương mặt được cho nhìn thấy sẽ “dễ coi” hơn là khi họ nhíu mày, nghĩa là không cười. Ngoài ra, ảnh hưởng của nụ cười trong giây lát này sẽ kéo dài đến cả 4 phút sau đó.

Các chuyên gia giải thích rằng khi chúng ta cười, não bộ của chúng ta sẽ truyền đi thông điệp “Tôi phải hạnh phúc vì một điều gì đó”. Trái lại, khi chúng ta không cười thì não bộ của chúng ta lại truyền lệnh: “Tôi không cần phải hạnh phúc”. Với cuộc thí nghiệm trên đây, các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng nụ cười luôn có sức lây lan. Cho dẫu khi không cảm thấy hạnh phúc mà chúng ta vẫn cố gắng cười thì những người xung quanh chúng ta cũng sẽ cười và điều đó nếu không làm cho chúng ta vui thì ít ra cũng giảm bớt một chút căng thẳng và buồn phiền trong chúng ta.

Khi nhìn một thơ nhi cười, chúng ta lắm khi không hiểu được thực sự cảm giác của đứa bé khi nhoẻn miệng cười. Nhưng dù cho có đang nát ruột nát gan, ai trong chúng ta cũng không thể nào không cảm thấy hạnh phúc và cười lại. Hạnh phúc lắm khi cũng “vô nghĩa” nhưng rất có giá trị như nụ cười trẻ thơ.

Hạnh phúc, quả thật đơn giản như một nụ cười.

Chu  Mười (29/5/2015)