Chiếc nón cối và chiếc bê-rê (Nguyễn Hoàng sb57)

Chiếc nón cối

và chiếc bê-rê

__________________

 

Không rõ chiếc nón cối đã được bỏ đi lúc nào trong những vật cần dùng của một tiểu chủng sinh, trong giấy yêu cầu của Nhà Trường gửi về Cha Sở lúc anh chàng Chú Mới được tuyển chọn. Xin mở ngoặc ở đây một chút, nên gọi Tiểu Chủng Viện mới đúng vì nếu chỉ gọi Nhà Trường chắc một số anh em sau này sẽ không đồng ý, vì cái danh xưng Nhà Trường sao cổ lỗ sĩ quá, không thích hợp với các tiểu chủng sinh văn minh của Tiểu Chủng Viện Sao Biển.

Tôi gọi Nhà Trường vì đó là cái tên thân thương bình dân học vụ mà bà con quê tôi dành cho đám tiểu chủng sinh chúng tôi. Bình Cang chúng tôi là một vùng nhà quê nên bà con chúng tôi cứ thích dùng những chữ nào đơn giản hơn, tiện dụng hơn, nhưng cũng cùng mang một ý nghĩa. Hình như năm xưa Chúa Giê-Su cũng thích dùng những từ đơn giản, không cầu kỳ thì phải ! Câu nào dễ hơn? Ta tha tội cho con hay là hãy đứng dậy vác giường mình mà đi? Đó không phải là một ví dụ sao? Nếu thế thì đám dân quê Bình Cang chúng tôi đã rất là sống đạo ! Đi rất sát theo tinh thần của Chúa !

Đi tu? Ai lại không biết ! Nhưng đi tu ở đâu? Nếu là đi Nhà Dòng thì lại mắc công hỏi tiếp là Dòng nào? Dòng La-San, Dòng Phan-Xi-Cô hay Dòng Giu-Se? Dòng Nhất hay Dòng Nhì? Rắc rối thật! Nhưng có lẽ đám dân quê chúng tôi rất thực tế, chỉ thích những gì gọn và có liên quan với mình thôi. Đi Dòng, dù là Dòng nào thì cũng là ở trong phạm vi của Nhà Dòng, cùng lắm là lâu lâu về giảng tuần đại phúc một lần ở một giáo xứ nào đó! Các cha dòng đâu có về làm cha sở một họ đạo như bây giờ! Do đó, bà con thôn xóm ít quan tâm đến những anh em đi Dòng! Họ chỉ tiện miệng gọi: Đi Dòng! Và thế là hết, vừa gọn vừa đủ ý nghĩa! Đối với anh em tiểu chủng sinh thì lại khác! Bà con họ đạo của tôi quan tâm đến họ nhiều, vì biết sớm muộn gì những người này nếu được chịu chức sẽ được đưa về các giáo xứ phục vụ bà con! Cho nên họ có rất nhiều tên gọi. Cha dòng và cha triều chẳng hạn! Còn đối với những anh em đi tu, họ cũng có nhiều tên: đi tu cha, đi tu Làng Sông, đi trường la-tinh, đi Nhà Trường, đi tu Sao Biển, các chú, v.v… Họ chưa bao giờ gọi chúng tôi là tiểu chủng sinh cả, vì cái danh xưng này quá dài, quá tỉnh lỵ đi, không gọn chút nào. Họ thích những danh xưng nào gọn hơn, bình dân hơn, dễ hiểu hơn.

Oai nhất vẫn là đi Trường La-Tinh ! Đối với dân quê thời đó, La-Tinh vẫn là một thứ gì đó đắt giá, dân nhà quê không thể nào hiểu được trừ mấy ông cha chuyên làm lễ bằng tiếng La-Tinh, đọc kinh nhật tụng bằng tiếng La-Tinh! Dĩ nhiên, không phải các dòng tu không dạy tiếng La-Tinh! Nhưng các dòng đã có những danh xưng riêng biệt lại ít mật thiết với giáo dân, nên bà con ít lưu ý đến. Còn các cha triều rất gần gũi lại rất thông thái, làm lễ toàn bằng những tiếng mà bà con không ai hiểu được! Do đó, nếu cho con đi tu, bà con vẫn thích cho con mình đi trường La-Tinh hơn, nếu không được mới tính đến việc đưa con đi tu dòng. Các cha sở cũng thế. Hễ các ngài thấy một anh em nào có vẻ sáng giá, các ngài thường hay đề nghị với cha mẹ nên cho con đi trường La-Tinh ! Các cha sở có đầu óc địa phương? Chịu thôi, ai bảo nơi đó đã đào tạo các ngài!

Nhưng như thế vẫn chưa gọn! Chưa đi sát tinh thần của Chúa! “Nó là Các Chú!” Không cần phải giải thích thêm cũng biết đó là một tiểu chủng sinh! Nhưng còn một danh xưng nữa cũng không kém phần bình dân: đi Nhà Trường, hoặc có lúc gọn hơn: Đi Trường! Đi Trường, Đi Dòng! Đó là những danh xưng gọn nhẹ nhất, bình dân học vụ nhất, nhưng cũng diễn tả được sự ưu ái của bà con cô bác đối với các tiểu chủng sinh. Thế nên anh em đừng thắc mắc tại sao tôi thích dùng danh xưng Nhà Trường hơn Tiểu Chủng Viện! Tôi là người Việt gốc rạ mà lị! “Nhà Quơ” nên cái gì thuộc “nhà quơ” đều rất thân thiết đối với tôi, nhất là vào những lúc phải tạm xa “quơ hương” như thế này đây.

Bây giờ xin quay trở lại về chuyện chiếc nón cối và chiếc bê-rê. Đó là hai món đồ không thể thiếu được của anh em đi Nhà Trường. Chúng cũng thiết yếu như chiếc áo dài đen, bộ đồ bà ba trắng, bộ đồ tây, quần xanh bleu marine, áo sơ-mi trắng vào những năm đầu của Tiểu Chủng Viện Nha-Trang, Tiểu Chủng Viện Sao Biển sau này bên Thanh Hải. Nón cối phải là nón cối trắng! Bê rê phải là bê rê đen có núm mới đúng quy cách. Nói như thế có lẽ những anh em lớp nhỏ sau này sẽ cười, vì bọn lớp lớn thời đó sao mà cổ lỗ sĩ quá! Nhưng anh em phải biết, bộ đồng phục đó là một ký hiệu riêng của dân Nhà Trường, không như bộ đồng phục trắng sau này, vì các chú Nhà Dòng cũng dùng bộ đồng phục trắng! Qua thời gian, với sự dễ dãi lần lần của các cha giáo và các thầy giám thị, dĩ nhiên anh em muốn sao cũng được, nón cối cũng được, bê rê cũng được, đầu trần cũng xong (xin mở ngoặc ở đây, thường mấy anh em thích đi đầu trần là những anh em để tóc chải, sợ hư cái đầu tango của mình!).

Thời tôi mới về Tiểu Chủng Viện Nha-Trang, năm 1957, kỷ luật chủng viện còn có vẻ Tây nhiều, nên rất gắt chứ không dễ dãi như về sau này. Anh em cũng đã biết Tây giáo dục con em của họ thế nào rồi đó, không cần phải giải thích dài dòng, nói dai, nói dài, nói dóc vô ích với anh em. Đến nỗi cái chuyện đi tắm, nhất là lúc còn ở 22 Duy-Tân, cũng phải có giờ giấc đàng hoàng. Chúng tôi được đi tắm không những vào những giờ nghỉ thôi, chúng tôi còn được đi tắm vào những giờ học tự do mà lúc đó gọi là giờ ‘étude libre’ nữa. Cứ nhìn lên bảng chia phiên do thầy Giám Thị niêm yết mà đi tắm, mỗi người chỉ có được 15 phút thôi.

Nói như thế chúng tôi cái gì cũng phải ‘đồng’ cả. Đồng bộ, đồng phục. Có lẽ cái từ mà các ngài lớn dùng sau này, đồng cảm, đồng thuận gì đó cũng từ mấy cái từ ‘đồng’ này mà các ngài đã quen dùng lúc còn đi tu thì phải. Cái gì cũng phải thứ tự lớp lang, ở chung với nhau thì cái gì cũng phải đồng cả. Ở trường đồng phục đã đành, áo bà bà trắng, quần trắng, áo dài đen. Nhưng đi ra ngoài đi dạo chúng tôi cũng phải đồng phục nữa. Ngoài những anh em từ Sài-Gòn về như anh Đào Trí Cầu lớp 3, hoặc anh chàng Nguyễn Văn Lo lớp 7 tụi tôi, vẫn còn quần tây trắng, áo sơ mi trắng, đại bộ phận còn lại đều quần xanh áo sơ mi trắng hoặc xanh.

Chúng tôi đồng phục không chỉ có vậy. Đầu tóc cũng phải đồng phục nữa. Anh nào cũng vậy, từ anh lớn đến anh nhỏ, anh nào cũng cắt tóc một kiểu đờ-mi cua. Tiếng Tây mà! Ngắn lỡ cỡ! Nhưng chúng tôi lại hiểu khác, cua là cua, là quẹo, tên nào cũng vuốt vuốt cái chỏm tóc phía trước cua qua một bên cả. Đã vậy, đi dạo cũng không được để đầu trần, phải đội nón cối hoặc bê-rê. Nhưng lại cũng phải đồng phục. Trước giờ đi dạo, thầy giám thị sẽ tuyên bố phải mặc quần nào áo nào và loại mũ nào. Bê rê thì bê rê hết, nón cối trắng thì nón cối trắng hết, không có lộn xộn! Thầy giám thị cũng vậy mà các chú cũng vậy, cũng đồng phục như nhau!

Không những thế, chúng tôi phải ra bên đường Bá Đa Lộc xếp hàng ngay ngắn, hàng bốn, nhỏ trước lớn sau. Không phải là lớp lớn lớp nhỏ đâu! Như tôi thuộc lớp 7 mà cứ phải xếp hàng chung với Hạnh Đại Điền lớp 8 hoài là vì thế, mà lại được xếp ngay vào hàng đầu mới tức chớ! Chưa hết, một anh lớp lớn, lớp 3, đi bên ngoài so hàng cho ngay ngắn, tên nào lộn xộn là bị cú đầu ngay! Khiếp nhất là gặp những lúc anh Lê Trọng Đông điều khiển. Anh tướng người to con, nổi giận bất cứ lúc nào, lại cứ cạ sèn sẹt cái đế giày ‘cuir’ có gắn mấy con bọ sắt của anh xuống mặt đường nhựa tóe lửa để hù bọn con nít các chú!

Tưởng cũng nên mở ngoặc ở đây về chuyện giày cuir lúc còn bên 22 Duy Tân. Có lẽ trong giấy nhu cầu gửi về, các cha Tây sơ ý hay sao đó, nên chỉ ghi là xăng đan, nhưng không nói rõ là đế ca rép hay đế da thuộc. Do đó, trong nữa năm đầu niên khóa các chú lớp 7, lớp 8 tụi tôi, chẳng có chú nào là có đế da thuộc cả, toàn là đế ca-rép thôi. Xăng đan phần lớn đều một kiểu, hai quai tréo đen hoặc đà, ngoại trừ một anh độc nhất mang xăng đan rọ heo. Ai muốn biết hãy hỏi đại lão Hoan 57 thì sẽ rõ. À, quên, còn một anh nữa khá đặc biệt cũng nên thêm vào đây. Đó là anh Thể 57. Anh này lúc nào cũng mang một đôi ba ta cao cổ vải xanh có hai miếng lót mắt cá cao su đen ở hai bên. Chắc giờ này anh em lớp nhỏ đã hiểu tại sao anh Thể nhà mình lại có cái biệt hiệu thân thương là “Thể Ba Tàu” rồi chứ? Đế da thuộc chỉ có mấy anh lớp 3 mới có. Đã vậy, mấy anh còn gắn vào đó ba con đỉa sắt, một phía trước, một bên hông và một sau gót. Do đó mỗi lần các anh đi các anh nện gót bộp bộp xuống nền xi măng nghe oai lắm! Nhưng đệ nhị lục cá nguyệt sau, đốt đuốc cũng tìm không ra một đế ca-rép nào cả. Các chú nhỏ cũng hay lắm, cũng gõ bộp bộp như ai! Thế mới gọi là đồng phục.

Cứ nhìn các chú xếp hàng bốn đi ngay ngắn với một bộ đồng phục với bê-rê đen hoặc nón cối trắng có một người điều khiển ở ngoài, ai lại không biết đó là các chú Nhà Trường đi dạo? Có trường nào ăn mặc đồng phục kiểu ấy đâu? Giá mà lúc đó anh điều khiển đếm nhịp đi và bắt hát bài Salve Regina nữa, chắc người ta sẽ tưởng rằng đây là một đạo quân kỳ lạ đang tập diễn hành ngay! Chiều thứ tư và chiều Chúa Nhật nào cũng vậy, anh em Nhà Trường cũng đều diễn hành như thế cả, dọc theo đường Bá Đa Lộc, qua Ngã Sáu, qua đường Phước Hải, băng đường rày xe lửa đến khu máy nước sau nhà ga xe lửa. Bận đi cũng thế, bận về cũng vậy! Kể ra cũng tội nghiệp, vì các chú còn nơi nào khác để chi chơi đâu ngoài cái sân banh của hỏa xa ấy?

Đối với các chú Sao Biển sau này, chiếc nón cối trắng quả là một phiền toái, chẳng có công dụng gì cả, chỉ có tốn thì giờ vô ích. Hơn thế nữa nó là tàn tích của một chế độ cũ cần phải dẹp đi, vì quê quá! Các chú có một sân banh rất rộng, hai sân volley, hai nhà chơi rất rộng với hai bàn pingpong cho mỗi nhà. Do đó các chú cần rất nhiều thì giờ để chơi hơn là cứ ngồi sơn sơn phết phết cái mũ cối trắng cổ lỗ sĩ đó. Thế nhưng đối với các chú học bên 22 Duy Tân, cái phiền toái đó lại là một điểm để các chú giết thì giờ nhàn rỗi.

Khu 22 Duy Tân là một khu đất quá hẹp cho sinh hoạt của các chú. Cái sân lớn nhất nện bằng đất đỏ giữa nhà các cha giáo (sau này là nơi ở của Đức Cha) và các phòng ngủ, phòng học chung quanh thì đã bị một cây cốc gạo lớn chiếm hết một góc, còn lại là hai hàng cây sầu đông cứ đổ lá xuống liên tục làm anh em bắt mệt vào mỗi buổi chiều tạp dịch. Nơi đó cũng chỉ căng được một cái sân volley dành cho các chú lớn thôi. Nhà chơi cũng nhỏ, chỉ để được một cái bàn pingpong. Cũng là các chú lớp 3 giành cả. Các chú Thượng, Thạnh, Thanh, Láng cứ thay phiên nhau mà chiếm bàn. Giờ đâu dành cho các chú nhỏ chứ? Chỉ còn có bãi cát trước là các chú lớn không giành lấy thôi. Cho nên các chú nhỏ mới bày nhau đi bẫy giông, hoặc đi câu còng gió ở hàng dương liễu phía trước.

Cho nên chuyện các chú lớp nhỏ chuyển sang nghề trồng bông 10 giờ cũng chẳng có gì là lạ! Lon to, lon nhỏ đều được trưng dụng cả! Lúc đầu thì là bông 10 giờ, rồi thì là bông mặt trời và các loại hoa khác. Các chú lớn cũng đâu có chịu thua đâu. Các chú lớn đem lên phòng ngủ trên lầu đủ thứ, nào là ớt, nào là các loại hoa, thậm chí đến dây khoai tây các chú cũng trồng luôn! Anh Thể Ba Tàu lớp tôi lại mang một củ sắn to tướng lên trồng, thế mới lạ.

Tôi cũng có một đám bông 10 giờ, ngay dưới chỗ tôi đặt thau nước trước phòng ngủ lớp 8. Lưỡng tiện! Ngoài bông 10 giờ tôi cũng trồng ớt như đám bạn của tôi. Đặc biệt tôi lại tìm được một củ huệ trắng. Tôi tưới nước, chăm sóc nó đêm ngày. Sáng nào tôi cũng ra xem nó phát triển, trông nó mau thả vòi cho tôi một cây hoa đẹp. Ai dè chỉ trong một đêm mấy con mèo của mấy dì phước đực cái với nhau làm gãy mất cây bông mới thả vòi của tôi, nên tôi rất hận! Cho nên chuyện tôi thích sát tiểu hổ sau này cũng chẳng phải là một điều khó hiểu!

Nhưng như vậy cũng còn nhiều thì giờ rảnh quá. Làm gì bây giờ? Đã có chiếc nón cối! Cứ xem trời nắng ráo là anh em đem nón cối ra sơn phết rồi phơi! Phơi xong xem lại coi còn chỗ nào cần phết nữa không. Cứ thế và cứ thế! Xem ra chiếc nón cối cũng giúp cho các chú bên 22 Duy Tân tiêu pha thì giờ rảnh không ít, nếu không có nó sẽ nhàm chán lắm. Ngoài ra, còn một việc khác cũng khá thú vị với chiếc nón cối.

Những năm sau này bên Thanh Hải, các chú ít có lệ xin đi phố. Một phần có lẽ vì quá xa phố, mắc công phải đón Lambretta nếu có ai đã mượn trước chiếc xe trâu già của cố Hồng rồi, hoặc là vì các cha quản lý, trước là cố Mollard sau là Cố Lành đã chuẩn bị quá đầy đủ chăng? Xin mở ngoặc ở đây về chiếc xe trâu già ấy. Trong nó đen đúa nặng nề như con trâu nước ấy, nhưng nó là một món đồ cổ đốt đuốc tìm khắp Nha-Trang chẳng có nơi nào có đâu. Không phải thị hiếu của con người là thích chơi đồ cổ sao chứ? Vì thế mà trong lớp của tôi có người thích đi phố bằng chiếc xe cổ lỗ sĩ ấy! Vác đi thì nặng nhưng leo lên xe mới cảm thấy cuộc đời lên hương vì đạp nó đi mới biết rằng nó rất nhẹ! Ai không tin cứ tìm lão Hoan 57 nhà mình, anh sẽ nói cho nghe cái chú nào thích cái thú trưởng giả ấy.

Nhưng đi phố là một thông lệ bên 22 Duy Tân. Các chú lớp nhỏ tò te có ai dám xin đi phố vào những ngày Chúa Nhật chứ? Cái lệ đó toàn là do ma cũ, các anh lớp 3, bày ra cả. Ngày Chúa Nhật nào lại không có một chú lớn đi, mặc dầu cả lớp đếm chỉ trên đầu ngón tay? Thế rồi các chú nhỏ bắt chước ngay. Rửa mắt ai lại không thích chứ? Năm 57, Nhà Trường còn quá mới mẻ. Cha quản lý, Cố Lagrange, cũng chưa thạo việc, nên ngài cũng chỉ dự trữ được một ít đồ cần dùng cho các chú. Nhưng còn những thứ khác, những thứ các chú đẻ thêm ra làm sao ngài có sẵn được? Đi mua thêm một con đĩa sắt cho đôi giày cuir, sửa quai cho một đôi giày cuir, mua một cái compa, một quyển tự điển bỏ túi của Lê Bá Công, vừa Pháp Việt vừa Việt Pháp, lại chỉ có 40 đồng thôi. một ống kem đánh răng Hynos, một hộp xi-ra đen, nâu, và nhất là một hộp phấn trắng cho chiếc nón cối! Không có thì cứ việc lên cha quản lý xin đi phố! Dép không hư cũng ráng mà bứt cho đứt để được đi phố! Cố Lagrange cũng dễ tính nên xin đi phố cho những thứ cần dùng như thế cũng dễ. Nhưng hãy nhớ một điều: xin đi từng người; xin một lần ngài không cho đi đâu! Các chú biết rõ rằng các cha Tây đa nghi như Tào Tháo. Thật ra, cũng không nên trách ngài, vì ngài nghi đúng chóc !

Các chú trông hiền lành thế kia, nhưng có ai biết các chú cũng gian ngoan có khác gì người thế gian. Lúc tựu trường, chú nào cũng lên cha quản lý gửi tiền cả. nếu cha quản lý có hỏi, các chú đều khai y như nhau. Cái này cũng thuộc họ ‘Đồng’ đó, gọi là ‘đồng bụng!’ Dạ chỉ có bấy nhiêu thôi cha! Đương nhiên xin đi phố là phải xin cha tiền chứ! Tùy món đồ, cha chỉ cho vừa đủ hoặc dư chút đỉnh thôi. Thế nhưng có lúc nào các chú đi phố một mình đâu, lúc nào cũng đủ cặp, có khi ba bốn người nữa! Và các chú đâu chỉ mua một thứ! Cứ ghé tiệm Hợp Lợi ở đường Lý Thánh Tôn, thế nào cũng gặp một vài chú ghé đó làm một tô phở cho đã thèm! Còn những đồ quốc cấm rất đắt tiền như các ống dầu thơm hiệu l’Immortel của Pháp hoặc các chai dầu thoa mặt Lait de Beauté hiệu Leyna của phụ nữ, các chú cũng không từ! Dĩ nhiên nhứng thứ hàng quốc cấm này, chú lớn cũng như chú nhỏ này ai mà không giấu kỹ. Xin đừng hỏi tôi ai đã mua những thứ hàng quốc cấm ấy mà tôi phải phạm thánh! Xin hỏi tiền ở đâu các chú có nhiều thế? Xin thưa: tiền các chú giấu riêng để dùng những chuyến ‘đi phố’ này ạ.

Sang bên Thanh Hải, các chú đã tiến thêm một bước văn minh. Bây giờ các chú có nhiều chỗ để đi chơi hơn nên thì giờ bây giờ là vàng bạc. Chiếc nón cối giờ đây bỗng trở thành chướng ngại. Sân bóng đá là nguyên một bãi cát dài đầy gai yết hầu. Cho dù đã đốt rác nhiều, cho dù đã dùng cây chuối lăn, nhưng cái đám gai khô ấy cứ tách ra thành những miếng gai nhỏ nhỏ sẵn sàng tiềm phục những và đợi những chú nào vô phúc giẫm phải. Gai thì cứ lể, giờ étude libre thiếu gì, banh thì ta cứ đá. Cho nên đâu còn thì giờ để lo o bế chiếc nón cối quỷ quái kia nữa chứ? Bực nhất là những lúc đi dạo núi Đồng Đế. Trên đó có thiếu gì trái cây để hái, nào là trái chim chim, cam đường, ngâu, mồng gà để mang về phòng. Hai túi quần lúc nào cũng căn phồng, đi lại rất khó khăn, đựng vào nón cối thì làm cho nó mau dơ! Còn con cam con quýt và dế đá nữa. Thiếu gì trên núi Đồng Đế, nhất là ở sân bắn trường HSQ và Bãi Sạn, sân tập chiến thuật của họ.

Nhưng khổ sở nhất vẫn là các vụ hái ớt trộm trong rẫy của người ta. Mấy cái món cá luột của mấy dì bếp thật là tanh tưởi, nếu có được mấy trái ớt cay cay vào để bang đi cái mùi tanh ấy thì thật là tuyệt cú mèo! Khổ nỗi là nếu nó bị giập ở túi quần làm cho đùi rát bỏng thì thật là khốn nạn. Gặp những trường hợp như thế, không ai bảo ai, các chú tự động thay nón cối bằng mũ bê rê cả. Bê rê phải đen, phải có núm, và vành phải rộng! Nhu cầu bê rê của các chú làm cho bậc làm cha làm mẹ khốn đốn không ít. Cứ hè đến là có một lớp mới. Lại phải mua thêm bê rê cho con! Vì thế bê rê bị hụt và rất khó tìm. Có người đã phải mua tạm bê rê của thủy quân lục chiến đem về khâu lại và nhuộm đen đỡ cho con.

Từ đó trở đi, bê rê trở thành một món trang sức rất quý của các chú. Thứ gì cũng được, cứ việc thồn vào hết bê rê là xong, trái cây cũng phải, ổi cũng phải, ớt cũng phải. Vui nhất là gặp đúng mùa dế. Dế núi khác với dế đồng nhiều. Ít thấy dế mun (than), phần lớn là cồ pha và cồ lửa. Vui nhất là những lần đi dạo về như thế, tiếng dế túc mái, tiếng dế gáy vang vọng đủ chỗ, trước cũng có mà sau cũng có. Không những thế, có chú còn muốn làm đẹp với những chiếc bê rê ấy nữa. Cứ nhìn những tấm ảnh cũ của các chú xem, hầu như hết một nửa đều dùng bê rê để làm đẹp đó.

Đó là tất cả những gì có liên quan đến nón cối và bê rê. Tôi xin ghi lại để anh em chúng ta nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu của tiểu chủng sinh chúng ta.

Nashville, TN

Ngày 10 tháng 8, 2015

Phê-Rô Nguyễn Hoàng SB 57