Tương quan giữa linh mục và giáo dân (Nguyễn Văn Độ sb61)

Tản mạn 

Tương quan giữa linh mục và giáo dân

________________________

Chào anh em,

Đi lễ về, hàn huyên vài điều cùng  anh em cho vui.

Đọc bài của Củ, ý kiến của anh Ngân, “giải nhiệt” của Khanh, thấy hay, bèn xin phép AE góp vài ý mọn đối với một vấn đề muôn thuở: LM-Giáo dân. Có gì “không thuận nhĩ” xin bỏ qua:

Đúng là bên Mỹ này các LM, gồm mọi sắc dân, thường sau khi dâng lễ xong, mặc nguyên áo lễ, ra đứng ở cửa chính để gặp giáo dân, bất kỳ quen hay chưa quen. Các cha khách tới dâng lễ cũng thường làm thế, không riêng các LM coi xứ đó, hoặc như tại GX của tôi: Lm trao tờ “Bản tin trong tuần” (Bulletin) và nói vài câu chào hỏi. Tất nhiên trên môi các ngài luôn nở nụ cười và cũng sẽ được trao lại nụ cười. Thật tốt lành, thánh thiện và hoan lạc cho một “Ngày của Chúa”. Câu nói thông thường nhất là “….có khoẻ không?”. Vì rõ ràng, ngoài ơn Chúa thì cái quý nhất là sức khoẻ, chứ không phải của cải. Nhất là các cụ già và những người “mang bệnh”.

Bắt tay, gật đầu chào hay đặt tay lên đầu em nhỏ v.v..(chưa sợ Ebola) là những hình thức thông thường và tùy cơ ứng biến. Điều quan trọng là không gặp ai lâu, nếu cần thì cho hẹn để gặp sau, và không dồn chú ý cho một loại người nào (như chức việc, người khá giả, người vị vọng, trí thức.v.v.) mà chào hỏi mọi người, nhất là những người thấp kém nhất. Và điều rất tốt đẹp là LM gặp chào hỏi thân thiện những người tự ti mặc cảm, hay chống đối, có thành kiến và những người “rối rắm” không được chịu các bí tích.

Các LM ở VN ta muốn làm theo hay không, là vấn đề “xa hơn” việc đi probation hay “tham quan” (có nhiều người không hiểu chữ này, chỉ biết ông quan tham thôi). Bởi vì, theo thiển ý, nó phải bắt nguồn từ một “não trạng” mới: Không phải là “thầy cả” về mọi phương diện, mà là Servus servorum hay như Lời Chúa Giêsu căn dặn: “Con Người đến để phục vụ chứ không để được phục vụ” (Mc 10:45a). Các LM phải khác với các “đầy tớ nhân rân” của Bác!

Và như thế cũng giúp xã hội VN ta kính trọng con người-như là con người- bằng một “thang giá trị” mới, đó là: trẻ em, người già, phụ nữ, rồi mới tới quý ông. Không thua con “thú cưng” (pet) là được. Đọc lại bài đọc 1 của CN30 hôm nay: Trích sách Xuất hành: xh22:21-27 để người đàn ông biết phải bảo vệ kẻ yếu thế nào.

 

Thiết nghĩ, các LM mặc nguyên áo lễ để chào hỏi cũng có ý nghĩa nối dài “Bữa tiệc huynh đệ: Agapè”. Bởi nếu nghĩ chủ tế vào là chấm dứt thánh lễ, hay chiếc áo lễ “bất khả xâm phạm” thì không thể bắt chước ai được. Giáo dân, nhất là giáo dân ở Mỹ, ai cũng rất “lụp chụp” khi ra khỏi nhà thờ, nhất là mấy bà, mấy cô Hair/Nails (xin lỗi nói nho nhỏ) như ma đuổi. Nhưng hầu hết cha-con cũng vui khi gặp nhau được một lát. Nếu không, thì rồi lại” Long time no see”.

Một yếu tố khác cũng quan trọng là kiến trúc nhà thờ: Hầu hết nhà thờ mới bên Mỹ, người ta bố trí phòng áo của LM ở gần cửa chính ra vào, như thế tiện cho việc tiếp xúc và cả nghi thức rước đầu lễ. Nhớ hồi xưa phòng áo là cả một thế giới riêng của ” nhóm các chú giúp lễ” chúng tôi ! bất khả xâm phạm!

Như ở đầu bài viết, tương quan LM-Giáo dân là một vấn đề muôn thuở! Nhưng không phải vì thế mà cả hai “phía” đều chấp nhận bỏ qua, không tìm cách chấn chỉnh. Bởi tác hại của những tiêu cực trong mối quan hệ này có thể lớn lao, thậm chí nó có thể phá hỏng bao cố gắng khác và trực tiếp làm Danh Chúa không “cả sáng”.

Trong những cố gắng đó, xin phép rất mạo muội gửi một đề nghị nhỏ đến các đứng bậc, trực tiếp là các cha GĐ, cha giáo ĐCV: Nên chăng, từ khi các thầy đang ngồi trên ghế ĐCV, có dịp được nghe những chia sẻ của một vài giáo dân, tất nhiên phải có một số điều kiện, như hiểu biết, tiếp xúc nhiều, cởi mở, biết đối thoại, thao thức…và tiên vàn là có tính xây dựng, không chủ ý chỉ trích, khích bác qua một cuộc nói chuyện, thảo luận đơn giản với đề tài như: “Người giáo dân nhìn và muốn LM thế nào?”. Thiết nghĩ chưa biết đúng sai, nhưng cũng trao đổi được nhiều điều hay. Phía giáo dân, cũng không thiếu những suy nghĩ không đúng về LM hoặc thậm chí có những “ứng xử” làm cho LM khó đổi thay cho phù hợp lối sống của một Alter Christus.

Để kết thúc bài viết dài dòng này và cám ơn anh em đã cố gắng đọc, xin chia sẻ một câu chuyện rất nhỏ:” Một bà dì già của tôi tại Mỹ, một lần gặp tôi, vui miệng nói:'”Đáng ra giờ này, Dì gặp cháu là phải …đi thụt lùi.” Tôi hiểu nhưng giả nai:” Dì nói thế là sao?”-“Là cháu làm cụ rồi, Dì vừa chào vừa đi thụt lùi”-“Tội quá Dì ơi ! Cháu bây giờ đuổi gà nó cũng chẳng thèm chạy nữa là”.

 Nguyễn Văn Độ 61