Viết tiếp chuyện Cha Benoit Nguyễn Công Phú (Kim Ngân 59)

Viết tiếp

chuyện cha Benoit Nguyễn Công Phú

 

Trong Dấu Chân Sao Biển 2014, anh em đã từng đọc những bài viết của cha Mai Tính, anh Hoàng Bà Rịa và của kẻ hèn này viết nhiều về cha Benoit, nhân dịp cha về cùng Chúa ngày 17 tháng 6 năm 2014. Nhân ngày giỗ Đại Tường (Mãn Tang) giáp hai năm của cha, tôi không thể không viết thêm về những gì cần phải viết, những gì mà tôi cảm thấy chưa đủ, trong các bài viết để anh em hiểu rõ hơn về vị ân sư của chúng ta và nhằm tưởng nhớ ngài trong ngày giỗ này.

Đối với ngài, tôi là cháu kêu bằng cậu (mẹ tôi và ngài là chị em bạn Dì, như người ta thường nói). Bài viết này, xin cho phép tôi xưng hô là cha Benoit, vì ngài thường kể chuyện bên Pháp người ta kêu ngài là cha Benoit. Tôi cũng muốn viết thật khách quan, không phải vì cha là người thân, mà đem lòng tâng bốc thêm bớt. Thôi thì, có sao nói vậy.

Tôi gặp mặt cha Benoit lần đầu tiên khi ngài đến thăm gia đình tôi sau khi thân phụ tôi mất được mấy ngày, (Đầu tháng Giêng năm 1964) vào năm tôi học lớp quatrième, lúc đó ngài mới từ Pháp về đúng ngày các tướng lãnh đảo chính (1/11/ 1963). Tôi chưa có ấn tượng gì về ngài, chỉ nghe các cậu mợ, dì dượng nói ngài du học bên Pháp mới về. Lúc đó tôi cảm thấy hãnh diện vì mình có một ông cậu linh mục từng du học ở Paris và học đại học Sorbonne. Tôi gặp lại ngài tại chủng viện Sao Biển năm tôi troisième, khi đó ngài làm quản lý và giám luật. Lúc ra Huế giữa năm 67 cùng lớp 60 và 61 (vì bệnh  nên tôi phải học lại lớp 60), tôi gặp lại ngài thay thế cha Gantier, phụ trách 2 lớp 60, 61. Và tôi lại gặp ngài khi tôi đi giúp xứ tại Võ Đắt. Tôi đã sống và làm việc với ngài trong hai năm trời, năm 1969-1970. Chính những năm sống tại  đây, tôi đã hiểu về ngài nhiều hơn. Có biết bao kỷ niệm đáng nhớ trong thời kỳ này. Sau đó ngài về Ba Ngòi 73, và Cây Vông 1982, nhà nghỉ dưỡng 2006. Vì bận công việc, tôi chỉ thỉnh thoảng gặp ngài tại những nơi này.

Thật đúng như Hoàng Bà Rịa và cha Mai Tính viết, cha Benoit là người có đầu óc cách mạng, đơn sơ thật thà chất phác, con người hoạt động nhân từ và hòa đồng, năng nổ tạo được sức đẩy cho những người dưới quyền, thẳng thắn bênh vực kẻ dưới, can đảm dám nói sự thật.

Ngài đúng là một con người hoạt động, năng nổ. Ngài rất quan tâm đến việc giáo dục cho giới trẻ. Có lẽ vì sống học tập nhiều năm tại Paris, ngài dùng xe mô bi let đi thăm hầu hết các nước Châu Âu, làm tình nguyện viên tại Lộ Đức cùng với sinh viên để lo cho các bệnh nhân, vì thế  ngài tiếp xúc nhiều với giới trẻ, nên ngài biết rõ tương lai của Giáo Hội phải thuộc về giới trẻ.Về TCV Nha Trang, ngài cải tổ cách ăn mặc của các chú, xi măng hóa sân bóng chuyền, bóng rỗ, tổ chức thi đấu thể thao trong chủng viện. Khi ra Huế, ngài hòa nhập rất nhanh vào tinh thần hướng đạo theo ý nguyện của cha giám đốc TCV Hoan Thiện, trước khi cha giám đốc về Nha Trang nhậm chức giám mục. Ngài tích cực tổ chức cho anh em đi thăm Đại Nội, bãi biển Thuận An, du khảo những nơi nhà Nguyễn hành quyết các vị tử đạo tại Nguyệt Biều, Thợ Đúc, cắm trại, đốt lửa trại văn nghệ ngay trong nhà thờ Dương Sơn (chưa xây xong), cắm trại, đốt lửa trại, văn nghệ, cử hành Thánh Lễ ngoài trời tại Đồng Lác. Lúc nào ngài cũng tích cực tham gia vào các trò chơi của hướng đạo cứ như một hướng đạo sinh thực thụ, không còn phân biệt linh mục với chủng sinh. Ngài rất thương yêu chủng sinh  hai lớp 60, 61 khi còn ở Huế. Lúc biến cố Tết Mậu Thân 68, ngài về Nha Trang ăn Tết, nhưng trong một tháng Tết, tôi nghe Dì Tám (Cô của Hải Kèn 68) kể lại, ngài sống một tháng trong thấp thỏm lo âu, đứng ngồi không yên cứ như ngồi trên chảo lửa, vì lo lắng cho chủng sinh của mình bị kẹt tại trường Thiên Hựu. Ngài lên xuống TGM như cơm bữa để hỏi thăm tin tức của các anh em ở lại Huế.

Về Võ Đắt, ngài cũng cố phát triển đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, tổ chức những cuộc cắm trại, văn nghệ, đi du khảo sông La Ngà, Đồi Bảo Đại..

Về Cây Vông, ngài tích cực tạo điều kiện để thanh thiếu niên tham gia vào các môn thể thao như đóng bàn ping pong, lập sân bóng đá, sân vô lây, tổ chức các cuộc thi đấu giữa thanh niên các giáo khu. Mùa World cup, ngài quyết định tổ chức Thánh Lễ vào buổi chiều, để anh em thanh niên có thể xem bóng đá khuya nên không dự lễ được vào sáng sớm.

Vì quan tâm đến thanh thiếu niên, cha đã chuẩn bị rất nhiều sách giáo lý có tranh ảnh từ Pháp. Cha dùng nhiều sách có tranh ảnh mô tả những đề tài trong Tin Mừng để dạy cho các em học giáo lý. Cha còn dùng máy đèn chiếu, máy chiếu phim  mua từ Pháp về để chiếu cho các em xem khi học giáo lý. Bản thân tôi cũng đã sử dụng những sách tranh này  và các dụng cụ trên khi dạy giáo lý cho các em tại Võ Đắt.

Vì quan tâm đến thanh thiếu niên, cha rất quan tâm đến vấn đề giáo dục. Phải nói cuộc đời linh mục của cha luôn gắn liền với việc mở trường dạy học. Từ năm đầu tiên ở Dục Mỹ, cha đã quan tâm đến trường cấp hai ở Dục Mỹ rồi. Về Võ đắt, một giáo xứ phải nói là rừng sâu nước độc, giáo dân gồm toàn những người dân nghèo từ Quảng Bình, Quảng trị, Quảng Ngãi vào, con cái bỏ học nhiều. Việc đầu tiên, ngài làm không phải xây nhà thờ, hay nhà xứ (nhà xứ khi đó bằng gỗ, ọp ẹp, đi mạnh nền gỗ muốn sụm xuống), vậy mà ngài quyết tâm xây dựng trường cấp 1, 2, trường Hùng Dũng. Ngài mời các giáo viên cấp hai trường công vào dạy, miễn phí cho các em học giỏi, nâng đỡ gia đình nghèo, giảm học phí  cho gia đình có hai ba anh em cùng học. Tôi phụ trách thu tiền học phí, phát lương cho giáo viên. Có tháng tiền học phí không đủ phát lương, có dư thì lại dành để phát thưởng cuối năm. Về Ba Ngòi, chính tôi có lần đi cùng Ngài vào Sài gòn để lo chuyện trường trại, tiếc là biến cố 75 đến sớm, nên giáo xứ Ba Ngòi không có trường mới. Về Cây Vông, nếu như nhà nước không nắm độc quyền giáo dục, chắc ngài sẽ xây trường học trước  chứ không phải xây nhà thờ hoành tráng đâu. Nhưng bù lại, sau đó ngài cũng cho xây nhà dạy giáo lý cũng rất bề thế. Dì Tám tôi thường nói: Cậu Ba mày ai cho bao nhiêu tiền  cũng đổ vào trường học hết chớ có xu nào dính túi đâu.

Cha Benoit đúng là một linh mục không hề sợ gian khổ, cha sống nghèo nàn, chân tình, hòa đồng, thương yêu mọi người nhất là những người nghèo khổ hoạn nạn. Vào Sài gòn, ngài thường ở nhà người chị của cha, mà tôi gọi là Dì Tám. Khi nhà Dì còn nằm trên kênh nước đen bẫn rác rến dập dềnh bay mùi thối tha, vậy mà cha vẫn đến cư ngụ, trong khi cha có điều kiện đến nơi có chỗ ăn ngủ tươm tất hay khách sạn. Lúc ở Cây Vông,  để  được cải tạo thành người xhcn, cha ở trong nhà hẹp như cái chái bếp, cha vẫn vui vẻ chấp nhận, tự mình nuôi gà, nấu ăn, rửa chén bát và làm đủ mọi thứ.

Khi ngài nhậm chức quản xứ Võ Đắt, bà con dòng họ nghe nói đó là nơi rừng thiêng nước độc, ai cũng tưởng ngài bị  ĐC đì, vì ngài đã từng du học Paris, thủ đô ánh sáng, tương lai phải thế này thế nọ. Nhưng tôi nghĩ ngài ý thức mình là vị tông đồ của Chúa, ngài phải vâng phục ĐC đến nơi nào mà Chúa chỉ định cho ngài. Khi ngài ra Huế, ngài đã thân quen với ĐC. F.X. Nguyễn Văn Thuận, và ánh mắt của một vị thánh đã nhìn thấy trước cha Benoit thích hợp với nơi này. Trong hai năm giúp xứ của tôi, Đức cha F.X. nhiều lần về thăm giáo xứ, mở khóa cursillo, nói chuyện với giáo dân, ĐC và cha quản xứ nói chuyện rất vui vẻ và tâm đầu ý hợp, cứ như những người bạn thân lâu năm. Mà đúng vậy, sau này, khi xây nhà thờ Cây Vông, phải nói ĐC là người tích cực giúp đỡ cha Benoit nhiều nhất.

Anh em nên biết, vào giai đoạn 68-69, Võ Đắt là nơi rừng thiêng nước độc, đêm nằm nghe tiếng voi rống gà rừng kêu, nằm sâu tít tận miền núi của tỉnh Bình Tuy lúc bấy giờ, là vùng xôi đậu. Lúc tôi đến, muốn qua Tư Tề, xuống Sùng Nhơn, Nghị Đức, qua Mê Pu (nơi cha Cảnh tử nạn), Tà Pao,Tánh Linh,(nơi cha Vân, thầy Thúy bị tử nạn vì bom) , người dân phải đi qua truông qua rừng, lội sông lội suối. Từ Sài gòn lên, người dân phải qua cầu Nín Thở, vì khi ngồi trên xe lắc lư qua cầu, mọi hành khách già trẻ lớn bé đều phải nín không dám thở, vì sợ xe lọt xuống mương. Mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì đất dính dẽo quẹo, áo trắng mặc lâu ngày có màu đỏ gạch. Cha Láng nhạc sĩ lúc đó làm cha Phó, viết bài hát có câu mà tôi vẫn nhớ mãi: “Võ Đắt đất mến thương người, thương người là thương dữ lắm, người đi đất dính đôi chân, đất bám vào người, người gỡ không ra….”

Nếu viết về những năm sống ở đây, có lẽ tôi viết cả ngày không hết. Cha Benoit đến phục vụ cho giáo xứ từ 1969 đến 1973, và ngài đã góp phần làm cho giáo xứ này thay da đổi thịt. Ngài đã đến thăm từng gia đình, và sống chan hòa với bà con giáo dân.Cha không những chăm lo phần hồn mà còn phần xác cho giáo dân nữa. Vì thế, ngày cha mừng lễ 50 năm linh mục tại Cây Vông, giáo xứ Võ Đắt, nơi cha phục vụ trước đó 40 năm, đã cử một phái đoàn hùng hậu ra chúc mừng. Khi về nghỉ dưỡng tại Hòn Chồng, dù đi đứng khó khăn, cha vẫn không ngại vào Võ Đắt với bà con, khi giáo xứ mời cha vào các dịp lễ lớn. Ngày cha về cùng Chúa, giáo xứ cũng đã cử phái đoàn ra kính viếng cha tại Tòa giám mục và đưa cha đến nơi an nghĩ cuối cùng tại nghĩa trang Cây Vông. Thật là tình nghĩa cha con hiếm thấy.

Cần nói thêm là những học trò của những năm đầu tiên của trường Hùng Dũng tại Võ Đắt khi xưa, hiện nay gồm có các Xơ Niềm, xơ Nở, xơ Thành (RIP) thuộc dòng Khiết Tâm, Xơ Tường (Dòng Mến Thánh Giá) .Rất tiếc tôi không biết tên Dòng của các xơ. Một đệ tử dòng Khiết Tâm là Bùi Thị Đức, đã từ trần vì bệnh và được an táng tại Bình Cang, bên nam có các CSB, Lê Thành 70 (người luôn tài trợ cho nội san DCSB, hiện ở Arlington), Nguyễn Công Thành 70,  Ngọc An 69 (RIP) Văn Điệp 69.

Để kết thúc bài viết này, tôi xin lấy một câu nói trong Tin Mừng mà tôi thấy rất thích hợp cho cuộc đời của cha Benoit: “Ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10, 44-45)

Kim Ngân 59

(Hà Dừa 16/6/2016)