ĐỂ HIỂU SÂU VỀ ÁN PHONG CHÂN PHƯỚC
CHO ĐHY PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê
03/12/2010
Ngày 22/10/2010, giáo phận La Mã đã chính thức mở án phong chân phước cho ĐHY người Việt Nam F.X. Nguyễn Văn Thuận. Cuộc họp mở án được diễn ra dưới quyền chủ tọa của ĐHY Agostino Vallini, tổng đại diện của ĐGH tại giáo phận La Mã.
Qua đời tại La Mã ngày 16/9/2002 trong khi đương nhiệm tại UBGH Công Lý và Hòa Bình, ĐHY F-X, cùng với Mẹ Tê rê xa và ĐGH Gioan XXIII, là một trong số những nhân vật đặc biệt có án phong chân phước được mở ra một thời gian rất ngắn sau khi qua đời. Năm năm đã đủ. Vào ngày giỗ lần thứ năm trong tháng 9 năm 2007(16/9), ĐGH Benoit XVI đã công bố: “ Cha thành thật hân hoan đón nhận tin tức về việc mở án phong chân phước cho vị tiên tri không ai sánh bằng của niềm hy vọng Ki tô giáo.” (xem EDA 470). Một thời gian sau đó, trong thông điệp Spe Salvi được công bố ngày 30 tháng Mười Một năm 2007, ĐTC đã nhắc lại khá lâu khuôn mặt không thể quên của ĐHY F.-X và đã nhắc lại ngài (xem EDA 475).
Trong nghi lễ ngày 22/10 năm vừa qua, ĐHY Agostino Vallini đã đọc một bài diễn văn và ngài cho phép chúng tôi ấn hành trong bản in tiếng Pháp. Ngài phác họa lại một cách hết sức trung thành và chích xác những giai đoạn đáng nhớ về cuộc đời của ĐHY người Việt Nam. Mười ba năm tù đày của ĐHY được mô tả thật tỉ mỉ, bằng cách dựa vào những lời tâm sự riêng của ĐHY và nhiều chứng tá đã được xuất bản. Bài diễn văn này giúp độc giả theo dõi cuộc sống đặc biệt của ĐHY và làm quen với nhân vật đã sống đức tin Ki tô giáo một các mãnh liệt phi thường trong lịch sử đầy biến động của VN ở thế kỷ XX.
Kính thưa các ĐHY, các huynh đệ trong giám mục đoàn, các vị lãnh đạo chính quyền đáng kính, thưa anh chị em quý mến.
1.- Trong Tin Mừng theo thánh Gioan (12, 24) chúng ta đọc thấy: “ Thật, thật, Ta nói thật với các con, nếu hạt lúa mì rơi vào đất không chết đi, nó sẽ trơ trọi một mình, nếu nó chết đi, nó sẽ mang nhiều hoa trái.” Chúa Giêsu đang nói về Người, về mầu nhiệm khổ nạn, cô đơn, ruồng bỏ và cái chết gần kề. Người biết trong khi tự phó thác cho chính mình, Người sẽ bị tiêu diệt và sỉ nhục trong tay Thiên Chúa Cha, cái chết của Người trở thành nguồn sống giống như hạt giống bị hủy hoại trong đất để cây có thể nẩy mầm.
Nhưng, khi nói về hạt lúa mì, Chúa Giêsu cũng muốn nhắc lại cho các môn đệ điều mà Người đã từng loan báo nhiều lần: đó là noi gương Thầy đòi hỏi phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mỗi ngày và đi theo Người. Vì vậy, phải cứu thoát cuộc đời của mình (x. Mc 8, 35-36) trong viễn ảnh của Tin Mừng về điều răn mới: “Không có tình yêu nào lớn hơn là hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu.” (Jn 15, 13).
Tôi xem trích dẫn Tin Mừng này là chìa khóa giải thích về cuộc đời của Tôi Tớ Chúa ĐHY FX, người mà hôm nay chúng ta sẽ mở án phong chân phước và phong thánh qua cuộc họp công khai này.
2.- ĐHY F.X. sinh ngày 17 tháng Tư năm 1928 tại Huế, kinh đô cũ của nước Việt Nam. Ngài xuất thân từ dòng dõi của các vị thánh tử đạo. Tổ tiên ngài là nạn nhân của nhiều cuộc bách hại từ năm 1644 đến 1888. Ông cố bên nội của ngài có kể lại cho ngài biết khi ông lên 16 tuổi, mỗi ngày ông phải lội bộ gần ba mươi cây số để mang một ít cơm với muối cho cha ông bị giam cầm vì là Ki tô hữu. Bà ngoại ngài không biết đọc biết viết, nhưng lần hạt mỗi ngày cùng với gia đình để cầu nguyện cho các linh mục. Mẹ ngài, bà Elizabet, nuôi dưỡng ngài theo tinh thần Ki tô giáo bằng cách kể cho ngài nghe những câu chuyện trong Kinh Thánh, những hồi ức về các vị tử đạo của dòng họ, đồng thời hun đúc cho ngài tinh thần yêu nước. Ngài không bao giờ quên gia đình ngài đã từng chịu đau khổ biết bao vì đức tin. Di sản quý báu này đã làm gia tăng sức mạnh cho ngài, chuẩn bị cho ngài đương đầu với con đường “khổ giá” trong tương lai như là một di sản vô giá.
Được đào tạo cho một cuộc sống tinh thần vững chắc, ngài bắt đầu nhận thấy bàn tay của Thiên Chúa Quan Phòng trong mọi sự và ngài ngoan ngoãn phó thác cuộc đời mình để cho Chúa Thánh Linh hoạt động. Tôi Tớ của Thiên Chúa cảm nhận ơn gọi linh mục rất sớm, đó là nhờ vào nền giáo dục gia đình và sự khuyến khích của người cậu linh mục, cha Ngô Đinh Thục, người sau này trở thành một trong số các giám mục tiên khởi của Việt Nam.
Tháng 8 năm 1941, ngài vào học tại Tiểu Chủng Viện An Ninh, tại đây ngài trải qua những giai đoạn đầu của công cuộc đào tạo linh mục trong niềm phấn khởi và tự nguyện. Ngài đã quen biết các nhà giáo dục đạo đức và phúc hậu, những người đã củng cố quyết tâm của ngài. Trong số họ, nổi bật có cha giám đốc Jean Baptiste Urrutia thuộc Hội Thừa Sai Ba Lê, vị giám mục tương lai của giáo phận Huế, người mà chàng trai Thuận hết sức gắn bó; ngoài ra còn có cha Jean Marie Cressonnier, người đã thúc đẩy ngài sùng kính Đức Trinh Nữ Maria – qua linh đạo của Columba Marmian, tu sĩ dòng Biển Đức người Ái Nhỉ Lan – Cha Cressonnier còn mang đến cho ngài chứng tá về vẻ đẹp của cuộc sống khó nghèo, bằng cách chuẩn bị cho ngài đón nhận những thiếu thốn của cuộc sống tù đày sau này.
Từ đó, ngài chọn lấy cuộc đời của ba vị thánh làm mẫu mực: nữ thánh Tê rê xa thành Lisieux, vị thánh mà mẹ ngài kể cho ngài lúc còn bé, vị thánh mà ngài đã học được “con đường thơ ấu tinh thần” và tin tưởng trong cầu nguyện; thánh Jean Marie Vianey, vị thánh đã dạy ngài các nhân đức khiêm nhường, nhẫn nại và giá trị của cố gắng không ngừng; thánh Phanxicô Xavie, vị tông đồ vĩ đại của Á Châu, vị thánh mà ngài học được sự dững dưng trước thành công hay thất bại.
Những năm trong TCV (1941-1947) là những năm diễn ra thế chiến thứ hai, sự xuất hiện của VM ở VN, việc gia đình chạy trốn ra khỏi thành phố Huế, những cuộc mưu sát. Cậu Khôi và anh họ Huân của ngài, cả hai đều bị tố cáo về tội phản bội. Chàng trai Thuận vô cùng đau khổ, phẫn nộ trước sự bất công mà gia đình phải gánh chịu, tuy nhiên gia đình ngài luôn phục vụ tổ quốc một cách trung thành. Có lúc ngài hiểu ngài chỉ có thể đi theo Chúa Ki tô nếu ngài có thể tha thứ cho những kẻ thù.
Trong cuộc đấu tranh nội tâm day dứt, ngài được hỗ trợ bởi chứng tá can trường của một linh mục Dòng Tên người Mêhicô mà ngài có đọc tiểu sử, đó là cha Miguel Augustin Pro (1891-1927). Khi bị MT Mêhicô bắt giam, vị linh mục này đã nói: “ngài không sợ điều gì vì ngài đã phó thác cuộc sống vào tay Thiên Chúa một lần thay cho tất cả”. Ngài hiểu ngài cũng phải làm như thế đến mức ngài dần dần đương đầu với những khó khăn và lấy lại can đảm qua việc làm dịu nỗi đau khổ cùng cực.
Từ năm 1947 đến 1953, ngài học ở ĐCV Phú Xuân. Trong những năm này, ngài cũng xem xét ý định trở thành tu sĩ. Bị quyến rũ bởi hình ảnh của thánh Phanxicô Xavier, thánh quan thày của ngài và của cha Pro, ngài có ý định gia nhập Dòng Tên; do đời sống chiêm niệm hấp dẫn, ngài cũng xem xét khả năng trở thành tu sĩ Dòng Biển Đức, nhưng cuối cùng ngài chọn sống đời linh mục địa phận, chức vụ mà ngài đã chuẩn bị hết sức nhiệt tình và chu đáo.
3.- Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 11/6/1953 do ĐGM Urrutia, vị cựu giám đốc của ngài. Niềm vui cử hành thánh lễ đầu tiên khiến ngài không thể cầm được nước mắt. Nhiệm sở mục vụ đầu tiên của ngài là giáo xứ Quảng Bình, nằm cách Huế chừng 160 km, nơi có lần ngài chỉ ở lại một vài tuần để trị một chứng bệnh lao nghiêm trọng. Lúc đó, ngài trải qua một thời kỳ sóng gió thăng trầm, ngài phải chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác trong lúc chờ phẫu thuật phổi bên phải. Vào lúc giải phẫu, ngài phải trải qua đợt rọi khám X-quang lần cuối, việc rọi khám cho thấy căn bệnh của ngài đã biến mất: phổi ngài vẫn không hề hấn gì đến nỗi các bác sĩ quân y viện Grall nói với ngài: “Thật khó tin, không thể tìm thấy dấu vết nào của bệnh lao trong cả hai lá phổi…Bây giờ cha hoàn toàn khỏe mạnh, tôi không thể giải thích được trường hợp này!” Cha F-X cám ơn Chúa và Mẹ Maria Đồng Trinh về điều được thực hiện trong cơ thể của cha và cha quyết định luôn luôn thực thi ý Chúa.
Sau khi hồi phục và sau một giai đoạn ngắn làm một vài công việc mục vụ không mấy quan trọng, cha được ĐC Urrutia mời sang La Mã để hoàn tất việc học tập. Cha theo học các lớp học tại Đại học Thánh Urbano, tại đây, cha đã nhận được văn bằng tiến sĩ giáo luật năm 1959 với đề tài về tổ chức các linh mục tuyên úy quân đội trên thế giới. Từ thời kỳ này, cha luôn nhớ đến tình yêu của cha đối với La Mã Ki tô giáo với những công trình tuyệt vời, cũng như những chuyến đi hành hương đến các linh địa Đức Mẹ ở Lộ Đức và Fatima. Ở những nơi này, cha có thể nhập tâm hơn nữa thông điệp từ những lần hiện ra của Đức Mẹ. Những lời nói mà Đức Maria đã phán với thánh nữ Bernadette ở Lộ đức vào lần thứ ba ngày 18/2/1858: “ Mẹ không hứa cho con niềm hạnh phúc trên thế giới này, nhưng trong một thế giới khác” vang lên trong tâm trí cha. Vị linh mục trẻ lưu giữ những lời nói đó trong tim mình, và sẵn sàng chấp nhận những gian truân và những đau khổ Thiên Chúa sẽ gửi đến cho cha. Trở về lại Việt Nam, cha dạy học trong chức vụ giáo sư. Sau đó, cha được bổ nhiệm làm giám đốc Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện (Huế) vào một giai đoạn khó khăn đối với đất nước và gia đình cha trên bình diện xã hội và chính trị. Đúng vậy, gia đình của vị Tôi Tớ Thiên Chúa giữ một vị trí quan trọng trong chính trường Việt Nam. Người cậu Ngô Đình Diệm của cha là tổng thống quốc gia cho đến cuộc đảo chính quân sự ngày 1/11/1963, và ông bị giết sau đó. Cha F.-X cảm thấy vô cùng đau khổ và đương đầu với cơn thử thách mới này nhờ niềm tin của cha và nhất là nhờ những lời nói của mẹ cha: “Cậu con đã hiến dâng cả cuộc đời cho đất nước, và không có gì lạ khi cậu phải hy sinh cho đất nước. Với tư cách tu sĩ, (cư sĩ dòng Biển Đức và đã tuyên khấn năm 1954 trong tu viện Saint Andre de Bruges, Bỉ) cậu của cha đã tận hiến cả cuộc đời cho Thiên Chúa, và không có gì lạ đối với cái chết của cậu, một khi Chúa đã kêu gọi cậu.”
Trong lúc đó, tổng giáo phận Huế vẫn chưa có chủ chăn: Hội Đồng giáo sĩ mời cha F.-X nắm giữ chức vụ tổng đại diện tạm thời.
4.- Bốn năm sau đó, ngày 13 tháng Tư năm 1967, lúc 37 tuổi, cha F.-X được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Nha Trang. Khi hay tin này, mẹ ngài bày tỏ: “ Linh mục vẫn là linh mục. Giáo Hội đã tôn vinh con bằng cách ủy thác cho con sứ mạng quan trọng hơn, những con vẫn luôn là con người như cũ. Con vẫn còn là một linh mục, đó mới là điều quan trọng và con nên ghi nhớ điều này.”
Cha được tấn phong giám mục vào ngày 24 tháng Sáu năm đó. Ở Nha Trang, ĐC nắm giữ chức vụ bận rộn của mục tử. ĐC quan tâm nhiều đến mục vụ ơn gọi và việc đào tạo các linh mục tương lai. Trong vòng 8 năm, số đại chủng sinh gia tăng từ 42 lên đến 147, và tiểu chủng sinh từ 200 lên đến 600 người. ĐC cũng chuyên tâm vào việc đào tạo tông đồ giáo dân.
Gần một năm sau khi ĐC được bổ nhiệm vào hàng giám mục, những người CS đã tung ra một cuộc phản công để chiếm nhiều thành phố ở Miền Nam, trong đó có một phần thành phố Nha Trang. Tuy nhiên, chức vụ tông đồ của vị giám mục trẻ vẫn không ngừng tiếp tục và thậm chí ĐC dấn thân một cách hào phóng ở mức độ vùng cũng như thế giới. Đúng vậy, ĐC là thành viên của UB có nhiệm vụ thành lập Liên đoàn các khóa họp Giám mục Á Châu. Năm 1971, ĐC được bổ nhiệm cố vấn thần học của các Thánh bộ Tòa Thánh, tiền thân của UBGH phụ trách về giáo dân sau này. Ngoài ra, tại Việt Nam, ĐC được bổ nhiệm làm chủ tich COREV, cơ quan có nhiệm vụ tái thiết Việt Nam, một nhánh của UBGH Cor Unum có nhiệm vụ giúp đỡ 4 triệu người tị nạn chiến tranh.
5.- Tám năm sau đó, khi miền Nam VN hoàn toàn do các bộ đội CS chiếm đóng, vào tháng 4/1975, ĐGH Phao lồ Đệ Lục bổ nhiệm ĐC làm TGM phó tổng giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị Đức TGM Nguyễn Văn Bình. Một sự bổ nhiệm sẽ gây nên những hậu quả thảm khốc. Chỉ vài tuần sau khi bắt đầu công việc mục vụ tại Sài Gòn, ĐC đã bị bắt vì bị cáo buộc tội “âm mưu cấu kết với Vatican và các nước đế quốc”. Đó là vào buổi chiều ngày 15/8/1975, ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác lên Trời. Đức TGM chỉ mặc trên mình mỗi chiếc áo dòng và tràng chuỗi Mân Côi. ĐC giải thích cơn thử thách khủng khiếp này dưới ánh sáng đức tin, bằng cách nỗ lực làm cho cuộc sống tù đày của ĐC chan chứa tình yêu.
Nhà tù đầu tiên của ĐC là ở Nha Trang, địa phận trước kia của ĐC và những nơi giam giữ trong giáo xứ Cây Vông. Nếu nơi chốn quen thuộc với ĐC giúp ĐC giữ vững tinh thần, nó cũng mời gọi ĐC khởi sự cuộc hành trình tâm linh thanh tẩy nội tâm và hoàn toàn từ bỏ mình, tiến trình này sẽ kéo dài trong suốt 13 năm trời đằng đẵng, trong đó có 9 năm hoàn toàn bị biệt giam.
Ngài không sống bất động trong hoàn cảnh mới mẻ này. Từ tháng Mười trở đi, ĐC bắt đầu viết một loạt những thông điệp cho cộng đoàn Ki tô hữu. Quang, một cậu bé bảy tuổi, cung cấp cho ĐC những mẩu giấy nhỏ xé ra từ những lốc lịch cũ; sau đó cậu ta mang về nhà để các anh chị trong gia đình có thể chép lại các thông điệp của ĐC và phổ biến. Những thông điệp này sau đó đã được tập hợp trong một quyển sách có tựa đề “Con đường hy vọng”
6.- ĐC FX sống bảy tháng trong trại giam ở Nha Trang, trước khi bị chuyển vào trại giam Phú Khánh và bị nhốt trong một xà lim chật chội không cửa sổ. ĐC ở đó 9 tháng, dưới sự canh gác nghiêm ngặt. Nhưng chưa hết đâu: ĐC sớm biết nhà giam được canh phòng cẩn mật, hoàn toàn biệt giam, không được phép tiếp xúc với bất cứ ai, ngay cả với những người lính gác. Một trong số những người viết tiểu sử của ĐC nhận xét: “ngày cũng như đêm, tất cả những gì ĐC nhìn thấy, đó là bốn bức tường bẩn thỉu của những xà lim ẩm mốc. Một bóng đèn treo trên trần mắc ở đầu một sợi dây điện cũ mòn, nó tỏa ra một thứ ánh sáng lờ mờ vàng vọt xuống nơi ở bẩn thỉu của vị tổng giám mục phó đang tạm trú. ĐC Thuận nằm ngủ trên một mặt phẳng cứng có trải một chiếc chiếu bện rơm…nhưng do độ ẩm quá cao, tấm chiếu bị đóng mốc…Dần dần, việc biệt giam bắt đầu được thực hiện theo ý đồ của những người cai tù. Sự trống vắng và im lặng bao trùm lên ĐC Thuận ngày này qua ngày nọ gieo vào tâm trí ngài nỗi lo sợ. Bị tách ra khỏi bất cứ dấu hiệu hiện diện nào của những người bên cạnh, ĐC khao khát lắng tai nghe ngóng bất cứ tiếng động nào. Không cần có bất cứ cảnh báo hoặc nguyên nhân nào, ánh sáng yếu ớt của bóng điện xà lim có lúc bị tắt lịm trong nhiều ngày liên tiếp và ĐC không còn biết lúc nào ban ngày lúc nào ban đêm nữa…ĐC có cảm tưởng ngài không thuộc về thế giới của những người sống nữa…Lính canh có nhiệm vụ mang thức ăn đến cho ĐC cũng không nói chuyện với ngài nữa; chỉ có một bàn tay đưa qua phía bên dưới cửa để lấy chiếc mâm dọn bữa ăn và thay thế bằng một chiếc khác.” (X. A. Ng. Van Chau, phép lạ của niềm hy vọng, Ed. Saint-Paul, 2004, trg 226-227). Trong những hoàn cảnh như thế, chúng ta có thể hình dung ra những đau đớn khủng khiếp về thể xác do hậu quả của những nhu cầu tự nhiên. Nhà viết tiểu sử còn ghi tiếp: “Xà lim là một hầm lò thực sự. Vì ở gần hố xí, nên một mùi hôi thối nôn mửa đang ngự trị trong cái nóng của mùa hè. Vì ngạt thở do độ ẩm và thiếu không khí, ĐC phải nằm dài sát mặt đất để cố gắng hít thở chút đỉnh…ĐC hầu như không thể cựa quậy trong cái xà lim tí xíu đó, nhưng ngài ý thức nếu không cố gắng cử động, ngài không thể nào sống sót. Vì vậy, ngài bắt đầu đi tới đi lui, đến nỗi sức nóng ngột ngạt mùa hè làm cho ngài toát mồ hôi rất nhiều, bộ đồ ngài mặc dính bết vào da. Chỉ sau một vài phút, ngài phải nằm dài trên mặt đất và đưa mặt vào sát khe hở phía dưới cửa ra vào để thở..(trang 228). Cho đến khi trí nhớ của ngài bắt đầu chập chờn đến mức ngài cũng không còn nhớ đến việc đọc kinh và cầu nguyện nữa, ngài hầu như muốn điên. Ngài không còn biết đói hoặc ngủ nữa. Ngài thường bị nôn mửa và choáng váng đau nhức khắp cả mình…tinh thần ngài trống rỗng vào những thời kỳ càng dài ra” (trg. 228)
Trong những hoàn cảnh như thế, Tôi Tớ Thiên Chúa hiểu rằng ngài có thể dâng tất cả những đau đớn và khổ cực của ngài cho Thiên Chúa làm bảo chứng cho tình yêu. Thế là xà lim giam giữ ngài dần dần biến thành một nơi có thể tạm trú, sự đau đớn nhường chỗ cho niềm vui và cực khổ trở nên nguồn hy vọng. Ngày 29/11//1976, ngày thứ hai sau Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, ngài và các bạn tù khác bị xiềng và bị đưa đến nơi cách Sài Gòn 15 km. Hai ngày sau đó, ĐC bị đưa lên hầm tàu cùng với 1500 tù nhân. Ngài trở thành người Samaritanô tốt lành đối với những người tù này, vì ngài đã an ủi họ trong cơn tuyệt vọng. Sau mười ngày lênh đênh trên biển, ngài bị đưa đến trại giam Vinh Quang, trên dãy núi Vinh Dao thuộc miền Bắc VN. Ngài bị phân công vào làm các công việc đồng áng và những ngày mưa gió, ngài phải lao động như là thợ mộc mới vào nghề. Môi trường giam giữ ít khốc liệt hơn trước; nhờ đó ngài có thể nhờ người gửi cho ngài rượu nho chứa trong lọ có dán tờ giấy bên ngoài ghi “Thuốc trị bệnh dạ dày”. Ngài có thể cử hành thánh lễ. Bí tích Thánh Thể trở thành thời điểm trung tâm (trg 9) của cuộc sống giam cầm của ngài. Qua Thánh Lễ, ngài có thể múc lấy năng lượng cần thiết để tăng cường đức tin và tận hưởng được niềm vui tràn trề.
ĐC cử hành Thánh Lễ trong lòng bàn tay với ba giọt rượu nho và một giọt nước. Vào giai đoạn đó, lợi dụng một sự nới lỏng nhất định của các lính canh, ngài còn dám tự mình làm một cây thánh giá nhỏ và luôn giữ gìn nó một cách cẩn thận.
Hai tháng sau, một lần nữa ĐC bị chuyển sang trại ở khác quanh thành phố Hà Nội, tại đây ngài phải san sẻ xà lim cùng với một thiếu tướng của MTGPMNVN. Ông này là một nội gián được giao nhiệm vụ báo cáo tất cả những việc làm và lời nói của ĐC Thuận. Nhưng dần dần người tù cùng xà lim này trở thành bạn của ngài đến mức ông ta khuyên ngài nên hết sức thận trọng. Những người lính canh gác cũng tỏ thái độ tử tế với ngài hơn. Vì vậy, qua lời yêu cầu của ngài và sau khi bảo đảm là ngài không bao giờ có ý định tự tử, một lính canh đã tìm cách cung cấp cho ngài một sợi dây thép và một chiếc kềm nhỏ để ngài có thể làm một sợi dây chuyền mang thánh giá trước ngực.
Sau 15 tháng sống trong trại này và nhờ áp lực quốc tế can thiệp, ngày 13/5/1978, ĐC được đưa đến sống tại một ngôi làng cách Hà Nội 20 km, đó là làng Giang Xá. Ngài bị đặt trong tình trạng giam lỏng ở nhà vuông của giáo xứ. ĐC bị giám sát cả ngày lẫn đêm bởi một lính canh gác và được phép đi dạo loanh quanh với điều kiện không được liên lạc với bất cứ ai sống quanh vùng, hơn nữa, những người từng trải đã dè chừng canh gác ngài.
Dần dần ĐC trở nên dạn dĩ hơn và tiến hành hoạt động mục vụ. Người canh gác đứng về phía ngài đã cho phép giáo dân đến thăm ngài thậm chí có khi giáo dân đến từng nhóm nhỏ. Nhưng tất cả động thái này đã đánh thức mối nghi ngờ của nhà cầm quyền. Một lần nữa, họ quyết định cô lập ngài. Ngày 5/11/1982, một xe bít bùng của nhà nước đến đưa ngài vào khu quân sự, vào trong một căn phòng, nơi này ngài sẽ ở chung cùng với một sĩ quan cảnh sát. Trong 6 năm, ngài luôn sống biệt lập trong một căn phòng thay đổi từ nơi này đến nơi khác. ĐC không còn sợ biệt giam nữa: vì từ nay trở đi ngài hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa.
Thánh Lễ ngài cử hành hằng ngày vào lúc ba giờ chiều, tiếp theo đó là một giờ cầu nguyện suy gẫm về cuộc hấp hối và cuộc tử nạn của Chúa Giê su trên thập giá. Mỗi lần, sự phúc hậu của ngài chinh phục được các lính gác, điều này khiến cho lãnh đạo cao cấp tỏ vẻ bực tức. Một lần nữa, ngài bị chuyển vào một nhà giam được canh gác cẩn mật, trong một xà lim hoàn toàn biệt lập. Việc trả tự do cho ngài diễn ra ngày 21/11/1988 nhằm ngày lễ Đức Mẹ dâng mình vào Đền Thánh. Vậy là mười ba năm đã trôi qua.
7.- Một khi được trả tự do, các tin tức có ý nghĩa nhất về cuộc đời của ĐC FX có thể được tóm tắt như sau. Năm 1992, ngài được bổ nhiệm làm thành viên của UB Công Giáo Quốc Tế phụ trách về việc di dân, trụ sở đặt tại Geneve.Vào tháng 11 năm 1994, ngài được mời giữ chức phó chủ tịch UBGH “Công Lý và Hòa Bình” và bốn năm sau đó, ngày 24/6/1998, ngài trở thành Chủ tịch của UB trên.
Như chúng ta đã biết, trong mùa chay của Tuần Thánh năm 2000, ngài giảng tĩnh tâm cho ĐTC Gioan Phao lô Đệ Nhị và cho Giáo Triều La Mã. Lúc kết thúc cuộc tĩnh tâm, ĐTC tuyên bố: “ Cha cám ơn ĐC F.X. rất yêu dấu, với lòng đơn sơ và được Chúa Thánh Linh soi sáng, ĐC đã hướng dẫn chúng tôi tìm hiểu sâu ơn gọi làm chứng nhân cho niềm hy vọng Tin Mừng vào đầu Thiên niên kỷ thứ ba. Chính Đức Cha là chứng nhân của thập giá trong những năm dài bị giam cầm ở VN. ĐC Cha đã báo cáo cho chúng ta những việc làm và những giai đoạn giam cầm khắc nghiệt của Đức Cha, đồng thời củng cố cho chúng ta niềm tin là khi mọi sự đều sụp đổ xung quanh chúng ta, có lẽ tận nơi thâm sâu chúng ta, Chúa Ki tô vẫn là sự nâng đỡ không thể thiếu cho chúng ta.”
Một năm sau khi được tấn phong Hồng y, ngài qua đời một cách bình an vào ngày 16/9/2002.
8.- Việc nhắc lại, dù khái quát, cuộc đời của nhân chứng đức tin vĩ đại gây cho chúng ta nhiều sự kính phục. Tôi tự hỏi: Bí mật nào đã giúp cho ĐHY F-X đương đầu với những thử thách khủng khiếp như thế? Ngài đã múc lấy nội lực ở đâu để vượt qua những thiếu thốn và sỉ nhục? Những đặc điểm hiển nhiên nhất của ngài trong tư cách mục tử là gì?
Trong khi đọc tiểu sử ngài, tôi phải thừa nhận rằng một phần quan trọng trong con đường tâm linh ngài có thể quy cho một nền giáo dục và chứng từ ngài lãnh nhận từ gia đình ngài, đặc biệt là từ người mẹ của ngài. Trong năm tháng tối tăm cùa cuộc sống giam cầm, Tôi Tớ của Thiên Chúa luôn kể lại những lời giáo huấn ngài học được, tấm gương của các thành viên trong gia đình ngài, những con người không bao giờ lùi bước trước những đe dọa và đau khổ, họ đã đương đầu bằng một sức mạnh hoàn toàn mang tính cách Ki tô giáo.
Ngoài ra tôi có khuynh hướng nghĩ rằng, ngài đã thắng được sự đày đọa, sự dằn vặt và nỗi lo lắng nhiều lần suýt xô đẩy ngài vào hố thẳm tuyệt vọng, bởi vì ngài đã bám víu bằng cả sức lực vào Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể, vào trường học từ đó ngài đã sao lại cuộc sống mỗi ngày.
Ngài không thể mang Thánh kinh vào nhà tù, vì vậy ngài có sáng kiến thu nhặt tất cả những mẫu giấy nhỏ, làm nên một loại agenda nhỏ để chép lại hơn 300 câu trích từ Tin Mừng. Văn bản tinh thần độc đáo là vademecum (sách cẩm nang) hàng ngày của ĐC. ĐC múc lấy ánh sáng và sức mạnh ở đó. Về bí tích Thánh Thể, như chúng ta biết, để giữ gìn Mình Thánh Chúa, ĐC đã sử dụng đến cả bao thuốc hút.
Ngài cũng được nhiều an ủi nhờ ngài biết gắn bó kiên trì với ngai tòa thánh Phê rô, với sự hiệp thông với ĐTC. Ở Hà Nội, trong nhà tù được canh phòng nghiêm ngặt, cô canh gác mang cho ngài một con cá nhỏ để ngài nấu ăn. Con cá được gói trong hai trang báo Observatore Romano, ĐC trân trọng giữ lấy tờ báo như là một thánh tích. Không bị ai chú ý, ngài rửa sạch tờ báo, hong khô và giữ gìn hết sức cẩn thận. Trong tình hình biệt giam khủng khiếp, hai trang báo từ Tòa Thánh tạo nên dấu chỉ xác thực biểu lộ sự liên kết trung thành của ngài với Đức Thánh Cha.
9.- Tôi Tớ Thiên Chúa có trí thông minh đặc biệt, khả năng phát biểu và viết của ngài hết sức dễ dàng. Tuy nhiên, nói đúng hơn, ngài chưa từng là một học giả hay một nhà văn. Ơn gọi của ngài là ơn gọi của một mục tử các linh hồn. Tính cách không hoạt động bắt buộc– như tôi đã nói ở trên – buộc ngài phải viết để có thể tiếp tục nuôi dưỡng đàn chiên của ngài. Cho dù không được hoạt động mục vụ, lòng nhiệt thành tông đồ thúc đẩy ngài thử nghiệm mọi sáng kiến hữu hiệu để loan báo Tin Mừng. Vì thế, trong khi bị giam cầm, ngài đã thành lập được những cộng đoàn Ki tô hữu nho nhỏ. Họ gặp nhau để cầu nguyện chung và nhất là để cử hành bí tích Thánh Thể. Ban đêm, nếu có thể được, ngài tổ chức những tổ chầu kính Mình Thánh Chúa. Sau khi được phóng thích, hoạt động mục vụ bận rộn của ngài –tương hợp với công việc của UBGH Công Lý và Hòa Bình – thúc đẩy ngài tiếp tục việc ấn hành sách có tính cách chủ yếu tâm linh.
10.- Về nhân cách của Đức Hồng Y FX, tôi không thể không nói về một trong những khía cạnh khác hiển nhiên nhất: tình yêu của ngài đối với con người, nó tuôn trào ra từ trái tim mục tử của ngài.
Những người đến gần ngài vẫn còn kinh ngạc bởi tấm lòng nhân hậu, trước tiên là những lính canh gác ngài, đến nỗi có lần cán bộ công an nhà tù yêu cầu ngài dạy cho các nhân viên canh giữ ngài những ngôn ngữ ngài biết, để rồi họ trở thành học trò ngài.
Phong cách dễ mến là nét độc đáo của toàn bộ cuộc sống của ngài. Một trong những nhà ghi tiểu sử của ngài có viết: “Hiền từ và vui vẻ, ĐHY F.-X. luôn đón tiếp những người đến viếng thăm ngài bằng cách tiến về phía họ, hai tay giang rộng tỏ vẻ đón tiếp cởi mở…Ngài luôn tỏ vẻ thân tình và trấn an. Mọi người cảm thấy thoải mái, thanh thản trước mặt ngài ăn nói từ tốn, lựa chọn ngôn từ hết sức chính xác. Giọng ngài êm ái, lối nói giản dị và súc tích. Dĩ nhiên lối nói giản dị của ngài xuất phát từ nội tâm sâu sắc. Đối với những người lắng nghe ngài, những lời nói của ngài tạo thành một lời mời gọi suy tư, thể hiện việc tự vấn lương tâm. Ngài biết gán rất nhanh ý nghĩa mới cho những biến cố bề ngoài có vẻ bình thường cũng như cho điều được cho là có dự tính bằng cách khêu gợi trí tưởng tượng và khuyến khích việc chiêm niệm”( Andre Nguyên Văn Châu, phép lạ của niềm hy vọng, Ed. Saint Paul, 2004,trg 7).
11.- Nhưng ĐHY F-X.trước tiên là một chứng nhân hy vọng. Ngài tin tưởng chống lại bất cứ niềm hy vọng nào, vì những thử thách mà Chúa đã cho phép xảy đến cho ngài. Khi nói đến Abraham, trong quyển sách Những người hành hương trên đường hy vọng, chính ngài đã viết: “Toàn bộ cuộc đời của người (Abraham) đã là một chuỗi những khó khăn. Người đã nhắm mắt hoàn thành những điều răn, nhờ hy vọng vào sự nâng đỡ của Thiên Chúa, nhờ sẵn sàng đi theo lời nói của Thiên Chúa mọi lúc mọi nơi.” “Hy vọng chống lại bất cứ hy vọng nào, ngài tin như thế” (Rm 4, 18); “giống như người cha của tất cả những kẻ tin “ ( Rm 4, 11). Không có gì quá đáng khi nói ĐHY của chúng ta là môn đệ xứng đáng của Abraham, không chỉ bằng cách noi gương niềm hy vọng vững bền, nhưng còn bằng cách chuyển tải và củng cố nhân đức này nơi nhiều người, bằng tấm gương, lời thuyết giảng và các tác phẩm của ngài. Ngài đã thực hành các nhân đức hy vọng đâm rễ dồi dào trong ân sủng chứ không phải trong các niềm hy vọng trần thế chóng qua bằng cách nhìn qua bên kia thời gian, không để cho bị đánh gục bởi những thất bại nhãn tiền ở đời này, trong niềm khát khao cải thiện những thực tại trần thế.
12.- Trong sứ mạng mang lại niềm hy vọng, cũng nên nhắc đến sự dấn thân của tôi tớ Chúa trong việc truyền bá chủ thuyết xã hội và các hoạt động của Giáo Hội giữa lòng UBGH Công Lý và Hòa Bình. Ngài xác quyết rằng một trong những công tác cấp bách và khẩn thiết nhất của xã hội đương thời là gieo trong đó những hạt giống của niềm tin cậy, nhằm đánh giá các hiện tượng xã hội, kể cả các hiện tượng tiêu cực như là những thử thách để phát triển trên bình diện nhân loại và siêu nhiên. Chính trong viễn tượng này mà với tư cách Chủ tịch UBGH Công Lý và Hòa Bình, năm 1999, ĐHY F-X đã cổ võ việc soạn thảo một tuyển tập đặc biệt về giáo huấn của GH trong lãnh vực xã hội, compendium (bản tóm tắt) của giáo thuyết xã hội của Giáo Hội, để làm nổi bật mối liên kết giữa chủ thuyết xã hội của Giáo Hội và việc rao giảng Tin Mừng mới, điều này được ĐTC Gioan Phao Lô Đệ Nhị hết sức mong muốn.
Ngài đã viết trong Đường Hy Vọng (số 623) như sau: “ Một cuộc cách mạng thực sự, khả dĩ canh tân tất cả, từ lòng con người mà chính mình cũng không dò thấu, đến toàn bộ cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội..của thế giới, không thể thực hiện ngoài con người, ngoài Thiên Chúa mà chỉ thực hiện bởi con người trong Chúa Ki tô, với Chúa Ki tô.”
13.- Bản thân tôi rất thán phục tính cách phi thường trong nhân cách của ĐHY F.-X., ở đó sức mạnh của ân sủng biến đổi đã tìm được một bản tính nhân loại được thiên phú một cách đặc biệt, được nhào nặn và biến đổi dễ dàng nhờ hoạt động của Chúa Thánh Linh.
Tôi tin những ai hân hạnh quen biết ngài và gần gũi ngài đều công nhận Tôi Tớ Thiên Chúa là một môn đệ đích thực của Chúa Giê su. Ngài đã làm cho việc noi gương Chúa Ki tô trở thành lẽ sống độc nhất của mình, vì ngài đã mang lại mọi sự cho Thiên Chúa, vì ngài biết nhận ra bàn tay Thiên Chúa Quan Phòng trong mỗi lần trải nghiệm. Trong hoàn cảnh u buồn khủng khiếp của những năm tù đày, ngài mở lòng mình ra với hơi thở nhẹ nhàng và sống động của Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa mạc khải cho ngài như là Mọi Sự. Điều đó đủ để cung cấp cho ngài một chiều kích mới cho gánh nặng và sự khốn khổ của tình trạng thiếu tự do và nhân phẩm của chính mình. Sự trải nghiệm tâm linh phi thường của ngài vẫn luôn là một trong những di sản quý giá nhất cho chúng ta.
Hạt lúa mì, chết đi trong đất, đang mang lại hoa trái (…)
Agostino Card. Vallini
Tổng đại diện giáo phận La Mã của Giáo Hội.
Ghi chú
- Ngày 15/12/1999, khi tiếp kiến ĐC, ĐGH Gioan Phao lô II tuyên bố: “Năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba, một người Việt Nam sẽ giảng tuần Tĩnh Tâm cho giáo triều La Mã.” Chăm chú nhìn ngài, ĐTC hỏi ngài: “ ĐC đã nghĩ đến đề tài nào rồi phải không?” ĐC Thuận đáp:” Kính thưa ĐTC, cho phép con bày tỏ với ĐTC nỗi ngạc nhiên của con, con như từ trên mây rớt xuống. Có lẽ con nên nói về niềm hy vọng.” ĐTC nói: “ ĐC cứ nói lại những chứng tá của ĐC.” Tuần Tĩnh Tâm bắt đầu vào ngày 12 tháng Ba năm 2000 trong nhà nguyện Đức Mẹ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris Mater) ở Vatican và kết thúc vào ngày 18 tháng Ba.
Chuyển ngữ: Kim Ngân 59