Kẻ không nhà (Homeless)
Chu Thập
15.10.13
Tôi thường đi câu vào lúc hoàng hôn và buổi sáng sớm. “Nhứt chạng vạng, nhì rạng đông”. Đây là bài học vỡ lòng tôi đã học được từ lúc mới có trí khôn. Đây là lúc cá ở đâu cũng thích cắn câu. Đặc biệt là cá ở vùng tôi ở. Chúng nó “ăn” theo giờ hành chính: sáng thì từ 5 đến 7 giờ, chiều cũng từ 5 đến 7 giờ. Bên ngoài thời khóa biểu này, phải kiên nhẫn lắm may ra mới được chúng chiếu cố.
“Chạng vạng và rạng đông” cũng là những khoảnh khắc đẹp nhứt trong ngày. Đi câu nhằm lúc cá “đi nghỉ hè”, biến đi đâu hết, thì bỏ cần đứng ngắm cảnh hoàng hôn hay mặt trời lên, nhìn mây trôi lãng đãng hay nghe chim gọi nhau về tổ hoặc cất tiếng chào bình minh…cũng đủ gỡ lại vốn! Những lúc như thế, tôi thường nghêu ngao bản nhạc tiền chiến “Con Đường vui” mà tôi thường hát khi còn học tiểu học: “Đoàn người tưng bừng về trong sương gió. Hồn như đám mây trắng lững lờ. Giang hồ không bờ không bến, đẹp như kiếp “Bô Ê Miên”. Kiếp “Bô Ê Miên” (Bohemien) thì mãi sau này khi đến Pháp tôi mới biết nó như thế nào: xuất thân từ miền Bohemie ở Đông Âu, những người mà dân Pháp gọi là Gitan, Tsigane hay người Anh gọi là Gipsy đã chọn lối sống du mục ngay trong lòng thành phố. Họ không định cư ở một nơi nhứt định, cũng chẳng chịu ở trong một ngôi nhà an toàn có đầy đủ tiện nghi mà lại lang thang nay đây mai đó và làm đủ mọi thứ nghề để kiếm sống. Tôi không biết một nếp sống như thế có “đẹp” không. Nhưng không biết tại sao cứ mỗi lần nhìn mây bay trong buổi chiều tà hay sáng sớm, tôi lại nghĩ đến cuộc sống lãng mạn ấy.
Thiên nhiên ở lúc đầu ngày hay cuối ngày đẹp đã đành mà dường như tâm cảnh trong con người cũng đẹp. Đó là thời khắc tôi cảm thấy tâm hồn bình an và lắng đọng nhứt. Những lúc như thế tôi thấy mình đâm ra dễ tính một cách lạ thường: có bị người khác làm phiền cách mấy tôi cũng chẳng chấp nê hay tức giận.
Đây là cảm nhận mà tôi đã có được vào một buổi sáng cách đây không lâu. Tôi vừa móc mồi quăng cần chưa được năm phút thì một thanh niên mặc chiếc áo thun ba lỗ lù lù xuất hiện.Trời vừa đủ sáng để tôi nhận ra rất nhiều khoen bạc lủng lẳng trên hai vành tai, cánh mũi phải và ngay cả ở núm vú trên một bộ ngực nở nang. Nhưng trông dữ dằn nhứt vẫn là mấy bức hình xâm trên hai cánh tay. Anh mở miệng chào trước. Nhưng tôi vẫn khựng lại trong tư thế tự vệ. Có lẽ mấy cái hình xâm đã tạo ra chút ngại ngùng và hốt hoảng nơi tôi. Nếu gặp một người Miến Điện thì chắc chắn phản ứng của tôi sẽ khác ngay. Hồi còn làm việc bên Phi Luật Tân, tôi có quen với một số người Miến Điện. Tôi nhận thấy đàn ông Miến Điện nào, kể cả các linh mục, cũng đều xâm mình. Tôi cứ tưởng anh Miến Điện nào cũng là “dân chơi” thứ thiệt. Hỏi ra mới biết rằng ở cái xứ “ngọc bích” này, khi đến tuổi trưởng thành, thanh niên nào cũng phải xâm mình để chứng tỏ “nam tính” của mình. Nhiều anh hiền như cục đất mà trên hai cánh tay vẫn đầy hình xâm. Ở Úc Đại Lợi hay các nước Tây Phương thì trái lại, cứ thấy ai đó có xâm mình thì tôi không thể không liên tưởng đến dân “Bikie”.
Thoạt tiên, khi người thanh niên xâm mình tiến đến bên cạnh, dù cho cái tâm có an bình cách mấy, phản ứng tự nhiên của tôi cũng vẫn là thủ thế và dĩ nhiên, nếu tình huống tồi tệ nhứt xảy ra, là “đào vi thượng sách”. Nhờ chạy bộ mỗi ngày, tôi tin chắc rằng nhiều thanh niên Úc chưa chắc đã đuổi kịp tôi! Nhưng “kịch bản” ấy đã không diễn ra. Anh ta vừa nở nụ cười thật tươi đủ để xóa tan mọi nghi ngờ của tôi vừa đưa tay chỉ vào nhà vệ sinh bên cạnh bờ hồ và tự giới thiệu là một người “vô gia cư” (homeless). Thỉnh thoảng tôi có thấy một vài người vô gia cư đến trú ngụ ở cái vỉa hè của mặt sau nhà vệ sinh này. Nay mùa hè vừa trở lại, dân số vô gia cư có phần gia tăng. Gặp họ, lúc nào tôi cũng chào hỏi xã giao, nhưng nói chuyện đủ lâu để làm bạn với nhau thì chưa.
Người thanh niên xâm mình tìm đến với tôi buổi sáng hôm đó thật là một ngoại lệ. Nếu không phải là một người vô gia cư, cứ nghe anh thao thao bất tuyệt về đủ mọi chuyện trên trời dưới đất thì nghề tốt nhứt dành cho anh phải là quảng cáo, tiếp thị hay rao hàng. Còn nói về kinh nghiệm câu cá thì xem ra anh cũng đâu có thua gì tôi: 7 tuổi đã đi câu rồi mà! Trong 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi trao đổi đủ thứ chuyện, kể cả đề tài tôn giáo. Có lẽ cá cũng đến hóng chuyện của chúng tôi cho nên sáng hôm đó tôi quăng cần cho giãn gân giãn cốt hơn là kéo cá. Thế là tôi đành vác cần về không và hẹn với anh ta rằng buổi chiều tôi sẽ trở lại.
Đến hẹn lại lên. Có lẽ nôn nóng muốn gặp lại tôi chăng mà khi tôi vừa xuất hiện ở bãi câu, anh đã có mặt ở đó rồi. Lần này, anh mang theo một cần câu mới toanh mà anh nói đã mua trong Kmart với giá chỉ 10 đô. Nhìn kỹ, tôi thấy đó là loại cần câu để con nít vui chơi có lẽ chỉ đúng một mùa hè. Tôi nghĩ: khả năng tài chính không cho phép anh rớ tới cần câu dành cho dân chuyên nghiệp! Lần này, chúng tôi ít nói chuyện hơn để chỉ tập trung vào cuộc “tí thỉ”. Và may mắn đã thuộc về tôi. Tôi kéo một lúc đươc ba con cá hồng, vừa đủ kích cỡ theo luật qui định, nhưng cả ba đều mắc kẹt trong bờ đá và lần nào người bạn câu của tôi cũng xông xáo lội xuống nước để đưa cá vào bờ. Một phần vì công của anh, một phần vì không thích ăn cá hồng cho nên tôi trao cả 3 con cá cho anh. Anh nói sẽ có một bữa ăn tối thịnh soạn. Nhưng một lúc sau, anh có một cử chỉ làm tôi xúc động: anh rẽ vào một ngôi nhà trước bờ hồ và chia tặng cho gia chủ một con.
Tối hôm đó tôi lại về không và thuật lại cho nhà tôi nghe cuộc gặp gỡ của mình. Nhà tôi nói rằng trong buổi câu cá chiều nay có 3 người vui: người thanh niên vô gia cư, người được anh tặng một con cá và người thứ ba là tôi. Dĩ nhiên, vui nhứt là chính tôi, bởi vì tôi có thêm một người bạn và nhứt làm quen với thế giới của những người vô gia cư.
Mấy hôm nay, trở lại bãi câu, tôi không còn thấy người bạn vô gia cư của tôi nữa. Không biết anh đã di chuyển đi đâu. Nhưng dù có “dọn” đi đâu thì anh cũng vẫn còn là người của thế giới của những người vô gia cư, một thế giới vẫn còn là huyền bí đối với tôi.
Mới đây, tôi có đọc được ở đâu đó một mẩu tin ngộ nghĩnh bên Mỹ: ai đó đã có sáng kiến tổ chức những chuyến đi vào thế giới của những người vô gia cư. Chuyến đi chỉ kéo dài đúng 3 ngày. Ai muốn có kinh nghiệm về cuộc sống của những người vô gia cư phải đóng 2 ngàn Mỹ kim. Những người tham gia vào cuộc thử nghiệm này sẽ phải cởi bỏ quần áo, khoác vào bộ y phục bẩn thỉu rách rưới của những người vô gia cư, được phát cho một “hành lý” vô gia cư và được chở thẳng đến một nơi có người vô gia cư để hòa mình vào cuộc sống đó. Chắc chắn mục đích của chuyến đi không chỉ là để tìm hiểu mà để cảm thông nhiều hơn. Trong cuộc sống, có những điều không chỉ để hiểu biết bằng lý trí mà để cảm thông bằng con tim.
Bên Anh, một chương trình truyền hình có tựa đề “Famous, Rich and Homeless” (những người nổi tiếng, giàu có và người vô gia cư) cũng muốn mang lại một kinh nghiệm như thế cho giới giàu có và nổi tiếng. Trong một chương trình, có 5 người nổi tiếng và giàu có như danh thủ Tennis, tài tử, ký giả và văn sĩ, đã tình nguyện sống 10 ngày và 10 đêm cùng với dân vô gia cư trên các đường phố ở London. Những người giàu có và nổi tiếng này được “trấn lột” hoàn toàn và bỏ vào những địa điểm khác nhau trong thành phố. Không một đồng xu dính túi và đương nhiên biết thế nào là đói, họ đã phải lăn xả vào những sinh hoạt thường ngày mà hàng ngàn người vô gia cư tại London đang trải qua, trong đó chính là “xin ăn” theo đúng nghĩa. Nhờ vậy mà những người giàu có và nổi tiếng này mới hiểu được những lý do và hoàn cảnh nào đã đưa đẩy con người vào tình trạng không nhà không cửa. Hiểu dĩ nhiên để thay đổi cái nhìn và cảm thông hơn với những người phải lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng.
Về sinh hoạt của người vô gia cư tại Mỹ hay tại Anh thì tôi chỉ mới biết qua phim ảnh, chớ chưa một lần đi tiếp xúc. Đầu thập niên 1980, lần đầu tiên bước chân xuống Metro (xe lửa ngầm dưới lòng thành phố Paris), tôi gặp vô số kể những người vô gia cư. Metro là nơi “cư trú” an toàn nhứt cho họ. Họ nằm la liệt trên các chiếc ghế dọc theo các trạm xe lửa. Hầu hết, nếu không nằm ngủ thì cũng đang giải sầu với men rượu. Không hiểu tại sao lúc đó tôi thấy mấy người vô gia cư ở Pháp trông thật dễ thương: nhìn cảnh họ cầm chai rượu để “tu” cho quên đờ, tôi cứ nghĩ đến các thơ nhi đang ôm bình sữa! Tôi vẫn thắc mắc: không biết có phải vì muốn sống lại cái thời hồn nhiên, vô lo của tuổi thơ hay mơ kiếp sống “Bô Ê Miên” mà nhiều người đã chọn lối sống không nhà không cửa chăng?
Tôi tin rằng gặp gỡ người vô gia cư không là kinh nghiệm của riêng tôi. Tony Birch, một cây viết thuộc tổ chức truyền thông vô vụ lợi có tên (RightNow(http://rightnow.org.au/), kể về một người vô gia cư sống trên chiếc xe hơi cũ ngay cạnh nhà ông. Người vô gia cư này đã phải sinh hoạt một cách thật “gọn gàng” trong chiếc xe như là một cái nhà. Anh ta cũng phải dời xe mỗi 3 tiếng để tránh bị phạt. Theo Tony Birch, anh ta đại diện cho 60% người vô gia cư nằm trong lứa tuổi dưới 35 đang lang thang trên đất nước “giàu có” này. Thống kê ABS 2011 cũng cho thấy 17% “thành viên” vô gia cư dưới 10 tuổi và gần phân nửa (44%) là phụ nữ. Và đương nhiên nghèo đói, túng quẫn, gia đình đổ vỡ, thất học nghiện ngập…vẫn là những yếu tố chính đưa đến vô gia cư. Cuối bài viết, tác giả Birch nhắc nhở chúng ta: “Không ai muốn chọn cảnh vô gia cư cả.”
Có thể nói đằng sau một người vô gia cư là cả một số phận đưa đẩy. Số phận ở đây không nên hiểu theo nghĩa “trời định” mà theo Tony Birch: “Ai cũng cần có một người tốt bên cạnh.” Người vô gia cư đã không may mắn có được điều đó.
Người thanh niên vô gia cư bạn tôi chưa hề chia sẻ cho tôi lý do tại sao anh sống đời vô gia cư. Nghe lối nói chuyện của anh, duyệt lại những kiến thức anh có, tôi nghĩ anh không phải là một người thất học. Nhưng thất nghiệp là cái chắc! Còn tại sao thất nghiệp thì tôi không biết. Người Úc vừa được “chấm” là dân giàu nhứt thế giới, với tài sản trung bình là trên 220 ngàn Úc kim. Dĩ nhiên với điều kiện là những nhà tỷ phú như bà Gina Rinehart chia đều tài sản của mình cho mỗi người dân. Ngoài những lý do khác khiến người ta phải bỏ nhà ra đi và sống kiếp vô gia cư, sở dĩ trong một đất nước mà người dân được xem là giàu nhứt thế giới này vẫn còn có những người vô gia cư vì nghèo đói, là bởi vì những người giàu có không chịu san sẻ tài sản của mình.
Được cho 3 con cá nhưng lại trao tặng một con cho một người giàu có hơn mình, tôi thấy người bạn vô gia cư của tôi thật là người quảng đại. Qua anh, không những tôi học được bài học về cảm thông để không dựa trên bề ngoài mà đánh giá về một con người, tôi cũng được mời gọi để biết sống quảng đại và chia sẻ hơn.
Vô gia cư vẫn mãi mãi là một thế giới huyền bí đối với tôi. Nhưng tôi thấy không cần phải bỏ ra một số tiền để mua cái kinh nghiệm xa xí là được sống với họ vài ngày. Mỗi một người vô gia cư, cũng như bất cứ người nào tôi gặp gỡ mỗi ngày, cũng đều có những điều đáng cho tôi ngưỡng phục, tôn trọng, cảm thông và tiếp nhận những giá trị mà bản thân tôi không có./.