Vĩnh biệt Bà Tiên của Bé!
Ngày thứ hai, 7 tháng 5, 2017, tôi tức tốc lên phi cơ trở về Việt-Nam. Không ai được thông báo về chuyến đi đột xuất này ngoài cái gia đình nhỏ bé của tôi. Khác như những chuyến đi trước, chuyến đi này ngoài một chiếc ba-lô với hai bộ quần áo, một đôi tất và một đôi dép nhựa, và một số vật dụng cần thiết, tôi chẳng mang theo gì cả. Tuy ít đồ như thế, nhưng tôi không khỏi bị dính chấu. Nhân viên phi trường đã buộc tôi bỏ lại một ống kem đánh răng hiệu MouthWash 6 oz vì cho rằng nó có dung tích quá lớn cho xách tay trên phi cơ. Thế nhưng tôi không buồn, vì tôi còn nỗi buồn nào lớn hơn nỗi buồn đang đe doạ tâm trí tôi lúc này.
Ngồi trên phi cơ, tôi như một cái xác biết đi, ngồi bất động suốt cả chuyến bay dài – 4 giờ bay từ Nashville đi Washington Dulles; hơn 15 giờ bay từ Washington Dulles đi Marita Tokyo; và gần sáu giờ bay từ Tokyo đi Tân Sơn Nhất – Sài Gòn. Đây là lần đâu tiên tôi thấm đòn thật sự. Trong xách hành lý của tôi có một chiếc bánh xăng-uých kẹp jambon. Nhưng trong suốt cuộc hành trình dài, nó vẫn cứ nằm im trong xách. Tôi chẳng thiết gì cả, chỉ cầu mong sao cho Mẹ tôi được tai qua nạn khỏi cho đến khi tôi được đứng trước giường của Mẹ, để được ngắm nhìn Mẹ lần cuối cùng.
Tôi không dám mơ tưởng Mẹ tôi có thể thoát nạn lần này. Những hình ảnh của Mẹ do các em tôi đăng trên Facebook đã quá có sức thuyết phục rồi. Tôi chỉ mong được ngồi cạnh Mẹ, nắm lấy bàn tay gầy guộc của Mẹ qua bao năm đã đủ, không cần phải nói gì nữa cả vì có nói Mẹ cũng chẳng biết tôi nói gì, vì Mẹ đã quá lẫn không còn nhận biết được đứa con của Mẹ nữa rồi.
Tôi đã đạt được ý nguyện. Sau một đêm chờ đợi, sáng tôi cùng cháu Vinh đáp chuyến xe lửa về Nha-Trang. Sau khi quăng túi xách trong nhà, tôi vội theo chân nó vào bệnh viện. Tôi không biết giờ này tên nó gọi là gì, tôi chỉ còn nhớ đó là một nhà thương thí theo tên gọi cũ của nó. Sau khi luồn lách qua bao lượt người, tôi lên được lầu ba của một khu dành cho những bệnh nhân già cả như Mẹ tôi.
Mẹ tôi đang nằm co ro trong một chiếc giường sắt sát góc tường ở lối vào. Mắt Mẹ nhắm lại, có lẽ vì quá mệt. Mẹ không còn đủ sức để la lối như mọi khi nữa. Ở đuôi giường em Thạnh của tôi đang ngồi bó gối xoa bóp nhè nhẹ cho Mẹ đỡ nhức mỏi. Ở môt góc khác ngoài hành lang, em Hiếu của tôi đang nằm dưỡng thần, có lẽ để chờ thay em Thạnh chăm sóc cho Mẹ. Chúng nó đã quá mệt, chỉ ngước mắt lên nhìn tôi với một vẻ hân hoan thầm kín. Bây giờ đã có anh rồi, mọi việc chắc cũng dễ dàng hơn rồi, không còn phải lo âu thấp thỏm nữa.
Tôi ngồi xuống cạnh giường Mẹ, nắm lấy bàn tay mềm không còn sức lực của Mẹ, hỏi các em về tình hình của Mẹ. Thật ra tôi chẳng cần phải mất công hỏi han, chỉ nhìn hiện trạng cũng đủ hiểu Mẹ đã rơi vào tình trạng nào. Mẹ không thở bằng oxy, chỉ có một ống chuyền qua mũi để bom thức ăn vào bao tử. Mẹ tôi thiếu tất cả những phương tiện cần thiết của những bệnh viện tôi đã gặp bên Hoa Kỳ. Tất cả những thứ này tôi đều không quen. Tôi như bị quay trở lại hàng chục năm trước, hoặc có thể hàng trăm năm trước. Giường chiếu không được sạch sẽ mấy; thuốc men thiếu thốn; khâu chăm sóc bệnh nhân thật tệ. Đúng là một nhà thương thí tiêu chuẩn mà!!!
Ở đây Bác Sĩ là những ông bà cố nội, rất khó gặp. Nếu gặp thì cũng phải biết điều, nếu không thì người nhà sẽ bị nguy ngay. Y tá, y công đều không thiếu, nhưng họ không là những y tá, y công như những bệnh viện ở các xứ tự do. Ở đây họ là những ác thần, những bà chằn, cựa một chút là hò, là hét, là dọa, là nạt. Thỉnh thoảng người nhà bệnh nhân phải theo dõi những phiếu thuốc để xem họ có cho lộn thuốc hoặc phát thiếu thuốc không. Nếu có chuyện xảy ra, họ chỉ buông ra một câu xin lỗi lạnh nhạt vô tình. Thỉnh thoảng cũng có một vài y công đến phát những tấm ‘ra’. Nhưng họ không thay ra cho bệnh nhân; họ chỉ phát theo lệ; vấn đề phục vụ là của người nhà không phải của họ.
Tôi ngồi ghé cạnh giường Mẹ. Tấm ra ẩm quá. Tôi đưa tay lê mũi ngửi. Mùi này tôi quen thuộc quá rồi! Đó là mùi của những người già không còn tự mình chăm sóc được nữa. Tôi đã từng nằm cạnh Mẹ trong những lần đi phép trước. Mấy em tôi đã khuyến cáo tôi về những mùi này, nhất là đối với một người từ Mỹ về. Mấy em tôi ngại, nhưng tôi không ngại vì đối với tôi mùi nào của Mẹ cũng tốt cả, cũng đậm đà tình thương cả. Mẹ tôi vẫn cứ chăm sóc tôi như thuở nào. Đối với Mẹ, tôi chẳng là ông tướng nào cả, chỉ là một đứa con bé bỏng cần được đặc biệt quan tâm, chăm sóc.
Đây là bà tiên diệu hiền trong những giấc mơ của tôi thời xa xưa lắm, trong những lúc tôi cô đơn nhất, bị ngược đãi, lúc còn ở cô nhi viện Domaine de Marie trên Đà-Lạt. Bà tiên với mái tóc đen tuyền với một búi tó bới lỏng đong đưa sau lưng. Tôi đã từng kêu gào trong cơn mơ. Nhưng bà tiên ấy cứ đi xa dần, xa dần để rồi hoàn toàn tan biến vào không gian lúc tôi tỉnh giấc. Rồi bà tiên ấy đã biến thành hiện thực không còn xa lánh tôi nữa. Bằng chiếc đũa thần của mình bà đã biến thành một người Mẹ hiền thật sự. Bà đã đưa tôi về đất thần tiên của bà, hưởng những ngày hạnh phúc mà trước kia tôi chưa từng được nếm. Từ đó tôi quấn quýt bên Mẹ không lúc nào rời! Chúng tôi như ‘mọi có đuôi’; và cái đuôi đó chính là người đang nắm bàn tay gầy guộc của Mẹ lúc này đây!
Ôi còn đâu mái tóc đen mềm như nhung mà tôi đã từng vùi đầu để đùa nghịch; mái tóc đó giờ được thay bằng một mái tóc bạc đã bị cắt ngắn. Còn đâu chiếc miệng hình trái tim mà tôi từng ngắm nghía với vẻ mặt hãnh diện! Cái miệng đó giờ chỉ còn lại một đôi môi méo mó với một hai chiếc răng còn sót lại bên trong. Tất cả những vẻ trẻ trung đầy nhựa sống ấy đã biến mất; còn lại chỉ là một thân hình xương xẩu, nằm co ro in rõ nét trên tấm ra trắng của bệnh viện.
Mẹ tôi mệt lả, mắt nhắm lại, đôi lúc cũng cố mở ra để nhận ra những người khách đến thăm mình. Tôi đã cố nói lên tên của mình mong rằng Mẹ sẽ biết rằng đứa con đi xa đã trở về với mình, đau khổ nhìn những giây phút cuối đời của mình. Mẹ tôi có nhìn tôi đôi lần với con mắt lạc thần. Không chắc Mẹ có nhận ra đứa con bà hằng mong nhớ.
Một cái nẩy mạnh của thân người Mẹ làm anh em tôi hốt hoảng. Những thức ăn một phút trước đó em tôi đã bơm vào bao tử của Mẹ, đã trào ra đầy miệng và Mẹ đã cố gắng thở vì mệt! Chúng tôi vội vực Mẹ ngồi dậy cố làm sạch môi miệng Mẹ, giúp Mẹ có thể thở được dễ dàng hơn. Xong, chúng tôi đặt Mẹ nằm xuống lại để bà có thể nằm thoải mái hơn.
Nhìn thấy Mẹ đau đớn như thế tôi thật sự đau khổ, không biết làm cách nào để giúp Mẹ bớt đau đớn, vì tôi cũng đã có lần cảm nghiệm được một tình cảnh như thế này rồi. Tôi đứng đó khóc thầm vì tôi biết không bao lâu nữa tôi sẽ phải vĩnh biệt với Mẹ và tôi cũng sẽ không bao giờ gặp lại bà tiên này nữa dù là trong những giấc mơ của tôi.
Cho đến lúc này tôi mới thực sự cảm nghiệm được tại sao có những người đã tự nguyện xin các bác sĩ rút life support để người thân được thanh thản ra đi không bị đau đớn. Đó là một điều tôi trước nay chống đối, nói rằng không thể chấm dứt một sinh mạng kiểu đó được vì đó là tội, là giết người. Cho đến lúc này, đứng trước những cơn đau đớn của Mẹ, không hiểu sao tôi lại do dự, không còn chống đối mãnh liệt như xưa nữa. Tôi thầm thỉ nói với Mẹ:
“Mẹ à, có lẽ thời gian của Mẹ ở với chúng con đã quá đủ rồi. Xin Mẹ cứ việc thanh thản ra đi nếu Chúa muốn thế. Chúng con chỉ biết hai chữ “xin vâng” thôi mặc dầu chúng con rất buồn khổ phải xa một người Mẹ hiền, một bà tiên như Mẹ. Và xin Chúa hãy tha thứ cho Mẹ chúng con những lỗi lầm, những thiếu sót, những vấp ngã trên đường đời của Mẹ và đưa mẹ chúng con về quê hưởng phước thanh nhàn thật sự, vì Mẹ đã đau khổ quá nhiều vì chúng con rồi. Riêng phần con, có lẽ con sẽ mang Mẹ theo con suốt đời còn lại, vì đã có lần khi nghĩ đến cuộc chia ly này, con đã nghĩ không biết con có chịu đựng nỗi không, và con đã từng ước ao nếu có thể con có thể ra đi trước mẹ để con khỏi đau khổ vì mất mẹ. Nhưng Mẹ hãy tha thứ cho sự ích kỷ của con, vì như thế Mẹ sẽ càng buồn khổ hơn. Và xin vĩnh biệt Mẹ, bà tiên của con từ đây.”
NhaTrang, Ngày 16/5/2017
Phê-Rô Nguyễn Hoàng