Một hình tượng ông Giô-suê (Nguyễn Văn Độ sb61)

MỘT HÌNH TƯỢNG ÔNG GIÔ-SUÊ

11 giờ trưa ngày 16 tháng 5 năm 1966

 

Dưới cái nóng như thiêu như đốt của buổi trưa Hè, vùng đất cát trắng ngoại ô Tỉnh lỵ Tuy Hoà, Phú Yên đã chìm vào cơn say nắng, mệt lả, im ắng. Vài đợt gió Lào thổi xào xạc qua những tàn cây keo, đánh thức những chú ve rít lên inh ỏi. Chỉ còn duy nhất một nơi mà sức sống như đang bùng lên, khiến mọi người hối hả tất bật, nhưng không hề thiếu vắng những nụ cười hy vọng: Đó là trại tạm cư của khoảng 500 người dân Tân Lập và Hoà Châu, sau khi rời bỏ làng mạc quê quán vì tình hình chiến sự. Từ các cụ già run rẩy cho đến những em bé hiếu động, ai cũng nhanh nhẹn chuyền những mớ hành trang ít ỏi của gia đình lên những chiếc xe GMC, để ra bờ biển xuống tàu xuôi phương Nam, về một quê hương mới, mà tâm trí họ chưa hề mường tượng ra như thế nào. Họ đang đi về một vùng đất vô định!

 

Về một nơi vô định, nhưng những con người  trong cuộc “xuất hành” này lại vô cùng an tâm. Họ hoàn toàn tin tưởng, phó thác vào Thiên Chúa, Đấng đang dõi mắt che chở và hướng dẫn họ, qua một người cha, một người lãnh đạo mà họ yêu mến: Cha già JB Nguyễn quang Minh. Ngài là hình ảnh, là hiện thân của ông Gio-suê mới, một vị chủ chăn nhiệt thành, dẫn “đàn chiên” bé nhỏ tiến về vùng “đất hứa”. Đoàn người khăn gói lên đường ra đi, mạnh mẽ, dứt khoát, như đang “nhìn thấy Đấng Vô Hình”. (Comme s’il  voyait l’Invisible-Jacques Loew).

 

Đêm đầu tiên và cũng là đêm duy nhất trên chiếc tàu “đổ bộ” chật hẹp của Hải quân, sau một ngày vất vả, mệt nhọc và vì say sóng, mọi người chìm sâu vào giấc ngủ. Vừa hừng sáng, cha già đã dâng một Thánh lễ đơn sơ nhưng rất ý nghĩa, để cảm tạ Thiên Chúa và xin ơn bình an cho những ngày sắp tới. Trưa hôm sau, ngày 17, tàu cập bến Bình Ba, Cam Ranh.

Cha già, trạc tuổi ngũ tuần, vẫn tràn đầy sức khoẻ và nhiệt huyết để phục vụ đàn chiên Chúa giao, trong những giai đoạn khó khăn nhất. Chiếc áo dòng đen “cài nút bên phải” bạc màu vì nắng gió miền Trung, chiếc mũ cối xám cùng với nụ cười hiền hoà luôn nở trên môi và dáng đi thoăn thoắt nhanh nhẹn là hình ảnh nổi bật của người lãnh đạo. Như Gio-suê xưa đưa dân vượt sông Giođan (Gs,3) và tiến về chiếm lĩnh vùng Canaan (Gs,13), cha già chỉ huy đoàn con cái lên xe ngược ra phía Bắc để đến khu Bãi Giếng.

 

Vào năm 1966, Bãi giếng còn là một vùng đất hoang vu, nằm phía Tây Vịnh Thủy Triều, dân cư hai bên Quốc lộ thưa thớt. Hai mươi km về phía Nam là thị trấn Ba Ngòi và bảy km về phía Bắc là giáo xứ Tân Bình. Tuy mang tên Bãi giếng nhưng đây là vùng đất khô hạn ít mưa nhất của Miền Trung, nên vấn đề nước uống và sinh hoạt luôn luôn khó khăn.

“Đất hứa” là một khu rừng thưa, trải dài từ QL 1 đến tận đường xe lửa, dưới chân những rặng núi của dãy Trường sơn. Rừng không có nhiều cây to, nhưng khá rậm rạp, vốn là nơi săn bắn và đánh bẫy cọp, beo, heo rừng, khỉ, vượn của dân trong vùng.  Cha già đã chọn trước khu đất tạm cư là trảng đất cỏ dại, cát bồi không có cây, nay là vị trí của bệnh viện đa khoa Cam Lâm, để dựng lên mười căn lều vải do chính quyền cấp cho. Một lều dùng làm Nhà nguyện và nơi ở của cha già. Thế là một giáo xứ mới đã được khai sinh với tên gọi Hoà Yên, ghép từ địa danh Tuy Hoà – Phú Yên, đồng thời diễn tả sự an hoà, bình yên mà họ đã đánh đổi tất cả để tìm kiếm và xây dựng. Kề cận phía Nam của Hoà yên là giáo xứ Hoà Nghĩa của người dân xứ Quảng do cha Võ ngọc Nhã thành lập trong cùng thời gian và điều kiện tương tự.

 

Những cỗ máy ủi của công binh bắt đầu san mặt bằng khu dân cư và  vạch những con đường theo ô bàn cờ. Đường chính rộng 25 mét, thênh thanh như một xa lộ. Sau khi bắt thăm chia lô, những ngôi nhà tôn vách ván tuần tự mọc lên. Bàn tay cần cù của người dân cùng với lòng quyết tâm đã làm cho quê hương mới thay da đổi thịt từng ngày. Màu xanh của vườn rau, cây ăn trái như xoài, mít, đu đủ, chuối, làm dịu bớt cái nắng chói chan của mùa hè. Nhiều giếng nước được đào và cung cấp nước khá đủ cho nhu cầu. Tiếng lành đồn xa, chỉ trong vòng vài tháng đầu, nhiều người từ các vùng miền khác nhau đổ về xin gia nhập. Con số nhân khẩu tăng lên gấp hai, ba. Cha già nghĩ ngay đến chuyện phải dựng nên một nhà nguyện bằng gỗ thay cho lều vải. Địa điểm được chọn là khu đất  nay thuộc Trường Tiểu học, và căn nhà xứ bằng gỗ ván nằm bên kia con đường chính, nay là nhà của con cháu Bà Suất.

Cho tới mùa Hè năm 1967, giải đất từ khu chợ cũng là ranh giới giữa hai giáo xứ Hoà Yên, Hoà Nghĩa chạy dọc theo QL xuống tới chân con dốc vẫn còn là đất rừng, cây cối rậm rạp. Phía đông QL cho tới bờ Vịnh Thủy Triều chưa có người ở, cây đước và mai biển mọc nhiều. Nai rừng và khỉ nhiều lần chạy lạc vào khu dân cư mới của hai giáo xứ. Mẹ tôi kể, khi dựng xong nhà năm 1967, một hôm, bà đang ngủ trưa, một chú khỉ đu vào song cửa sổ, kêu khọt khẹt! Vào thời điểm đó, vẫn còn một căn lều cuối cùng của khu tạm cư, nơi đó một vài gia đình đang tá túc, chờ ngày cất xong nhà riêng của gia đình họ. Trong số đó, tôi vẫn nhớ gia đình ông Nguyễn hữu Truyện mà nhiều lần tôi tới để hớt tóc.

Sau khi bước đầu đã tạm ổn định, như ông Gio-suê phân chia đất đai rạch ròi cho các chi tộc  (Gs, ch13-ch21), cha già cũng cho dân khai phá về phía Tây để mở mang đất canh tác. Nhưng mối ưu tư chính của cha già là lo đời sống tinh thần, thiêng liêng cho đoàn chiên. Một ngôi thánh đường kiên cố, tươm tất  được thiết kế bản vẽ để khởi công xây dựng, nhìn thẳng ra QL cách 1 km về hướng Đông. Trong hoàn cảnh đa số giáo dân còn nghèo, thiếu thốn mọi sự, cha già hằng ngày phải lên chiếc xe tải đi xin xi măng, gỗ ván và phế liệu cho công trình to lớn này. Nhưng trong tầm nhìn khôn ngoan của người thủ lãnh, cha già cho xây ngay một dãy nhà tôn, vách gạch để làm trường Tiểu học Thánh Tâm. Phần phía Đông của trường được dùng làm Nhà nguyện tạm của giáo xứ cho đến khi xây xong ngôi Thánh đường chính vào cuối năm 1969. Như thế, một phần nào cha già đã mãn nguyện được như điều ông Gio-suê thực hiện việc khi dựng “Hòn Đá lớn” làm bia kỷ niệm và căn dặn dân tuyệt đối trung thành cùng Giavê (Gs 24,25-28). Cha già cũng đặt giáo xứ dưới sự bảo trợ của Thánh Giu-se thợ (Lễ kính vào ngày 1 tháng Năm).

 

Hoà yên đẹp lên từng ngày. Đa số người dân đi làm cho QĐ Mỹ bên đảo CR, có thu nhập khá. Một số sống bằng nương rẫy. Nhiều vườn xoài rộng thành hình và phát triển vì hợp thổ nhưỡng của vùng đất pha cát. Khu chợ “Hoà Nghĩa” sầm uất lên rất nhanh với nhiều người dân nhập cư mới để kinh doanh. Một số linh mục cao tuổi từ các thành thị khác đã chọn Hòa Yên làm nơi hưu trí tương lai. Cha già, khi tuổi ngày càng cao, cũng chuẩn bị một nơi về hưu, khi xây cho mình một căn nhà mà ngài chưa hề xử dụng một ngày (nay là Phòng GD và ĐT, H. Cam Lâm). Một trong những ước nguyện khác của cha già là xây cho giáo xứ một tháp chuông, nhưng điều kiện tài chánh và thời gian không thuận lợi. Hoà yên dùng một bình gaz cũ để thay thế chuông, báo hiệu giờ kinh lễ. Sau mỗi lần đánh, người đánh chuông ù tai mất năm mười phút. Mãi đến năm 1995 cha Mai Tính xây được cho giáo xứ tháp chuông hiện nay.

Cha già không là một linh mục uyên thâm, khoa bảng, nhưng ngài là một mục tử hết lòng hy sinh vì đoàn chiên. Cuộc sống của ngài phản chiếu một phần nào hình ảnh của Cha thánh Gioan Vianney, cha sở họ Ars, về lòng đạo đức, và tính đơn sơ, hiền hoà. Hằng ngày, ai tới nhà xứ đều gặp được nụ cười đôn hậu của một cha sở dễ mến, trong bộ đồ pyjama màu xanh nhạt và giọng nói từ tốn. Tính hiếu khách cũng là nét nổi bật của cha già. Vì thế Hoà yên là nơi được chọn để các linh mục trong Hạt Cam Ranh cấm phòng tháng. Vào những dịp tĩnh tâm linh mục hằng năm của giáo phận (khi chưa tách giáo phận Phan Thiết) thì nhà cha già vẫn là nơi ghé thăm, tá túc của nhiều linh mục vùng Phan thiết, Bình tuy. Cha già không uống rượu bia, cà phê, dù trong nhà lúc nào cũng có để đãi khách. Cha già có hút thuốc và chỉ thích thuốc Salem có đầu lọc.

Thấm thoát, tính tới nay, đã bốn mươi năm; một khoảng thời gian đủ dài để nhìn lại quá khứ, vào một ngày cuối tháng ba năm 1975, cha già lặng lẽ ra đi về phương Nam. Có lẽ đây là cuộc “xuất hành” thứ ba trong cuộc đời của ngài. Một sự ra đi mà mọi người, trong hoàn cảnh lúc đó, đều cảm thông và chấp nhận cùng với cha già.

Thế sự đẩy đưa, cha già dừng chân ở giáo họ Phi Lộc, Bình Giã.  Vui thú điền viên, trút bỏ mọi lo toan, cha già chăm sóc vườn tược quanh nhà và còn đủ sức khoẻ để cùng mọi người lao động. Ngài đi làm nương rẫy cùng với mọi người. Dù đã sang tuổi bảy mươi, cha già còn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, hiền hoà, nhân hậu. Dưới chiếc mũ cối truyền thống và hợp thời, gương mặt xương xương với chòm râu trắng, làm mọi người liên tưởng như Bác Hồ tái sinh để cùng nhân dân “lao động là vinh quang”.

Khoảng năm 1985 vì nhu cầu mục vụ, trong hoàn cảnh thiếu linh mục trầm trọng, Đức Giám mục ĐP Xuân lộc nhờ cha già coi sóc giáo xứ Long Tâm, Bà Rịa. Giáo dân vui mừng và cùng với cha già quyết tâm xây xong ngôi thánh đường của giáo xứ. Năm 1990 cha già trở lại thăm giáo xứ Hoà Yên thân yêu, mọi người vui mừng khi được gặp lại cha già còn khoẻ mạnh sau bao năm xa cách. Không ai biết trước rằng đó là lần cuối cùng trong đời, ông Gio-suê được nhìn lại những con người và những công trình mà ông đã trải qua nhiều năm cuộc đời, trong những hoàn cảnh khó khăn, gian khổ và hiểm nguy, để miệt mài cống hiến tình thương, sức lực và trí tuệ cho đàn chiên của mình.

Năm 1992, khi vẫn là cha xứ Long Tâm, cha già mắc bệnh hiểm nghèo, ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối, phải vào bệnh viện. Căn bệnh diễn biến kém đi rất nhanh, đến nỗi giáo dân bàng hoàng thương tiếc vì cha già ra đi đột ngột. Đó là lần “xuất hành” thứ tư và cuối cùng của ngài ra đi về Nước Chúa và không bao giờ trở lại.

Một sự ra đi âm thầm, để cuối cùng, như ông Gio-suê, được an táng trong “địa giới thuộc phần sản mình tại Thamnat, trên núi Epranh về mạn bắc núi Gaat” (Gs 24:30), cha JB Nguyễn Quang Minh, tổ phụ Hoà Yên, đã an nghỉ tại giáo xứ Long Tâm, Bà Rịa.

Nhân Kỷ niệm 50 năm thành lập giáo xứ, xin ghi lại một số ký ức đơn mọn về cha già, để tỏ lòng yêu mến, tưởng nhớ công ơn của ngài và góp nén hương lòng vào lời cầu nguyện chung: Xin Chúa thương cho cha già của chúng con được an nghỉ trong Nước Chúa. RIP.

 

NVĐ

Viết tại Sacramento, California

Tháng 12/2015