Những câu chuyện về Nhật Bản (Thế Hy sb71)

Những câu chuyện về Nhật Bản

Bài 1

Những câu chuyện nhỏ từ đất nước này…
Hôm nay trên đường ra bãi xe, nghe tiếng chuông
leng keng, vội tránh qua một bên; thấy bé gái
chừng 5 tuổi đạp xe đạp 2 bánh thật chững
chạc. Đi qua mình, em ngoái lại: cất tiếng cám
ơn “Arigato gozaimasu”. Trời dễ thương đến
cảm động, nhìn có bố mẹ nó theo không mà
không thấy ai, chắc nhà gần đó thôi. Con ai sao
mà khéo dạy… mà hình như con nít Nhật phần
đông đều lịch sự có thừa vì đã huấn luyện
từ nhà trẻ. Chợt nghĩ, phải chi sau 75 ở VN,
các trường còn giữ lại môn công dân giáo dục
chắc mình không phải nghe những câu chuyện giành
đường tới giết nhau. Giờ thì một tiếng cám
ơn khi nhường xe giống như chuyện cổ tích!
Câu chuyện thứ 2: Sáu năm trước, con gái học
lớp 4 tiểu học. Thỉnh thoảng buổi sáng lái xe
đi làm trên con đường nó tới trường. Học sinh
tất cả đều đi bộ, đứa bé đi theo đứa
lớn. Tới ngã tư, có ông cụ đứng phất cờ xin
đường cho các cháu qua. Các cháu đi xong, ông
đứng rạp người cảm ơn tài xế đã chờ. Về
hỏi con gái, nhà trường mướn ông cụ lớn
tuổi làm công việc nắng mưa tội nghiệp vậy.
Nó nói: -Ông cụ làm thiện nguyện, không phải
nhân viên. Nghe nói cụ đã từng làm trưởng
phòng bưu điện của khu vực, về hưu, cụ ra
phất cờ giữ an toàn cho mấy đứa nhỏ đi học.
Thêm một sự cảm động, giờ đó nếu là mình
về hưu… sẽ là giờ vàng, uống cà phê nghe
nhạc! Ở VN, câu chuyện chắc cũng là cổ tích.
Nhưng chuyện không kết ở đó. Một hôm đi họp
phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm nhoẻn miệng cười
khi gặp mình: Cám ơn con bé nhà ông đã làm một
hành động tốt.

  • Chuyện gì vậy Sensei?

Oh ông cụ làm thiện nguyện giữ giao thông cho
học sinh phải nhập viện vì mổ. Con bé nhà ông
nó viết thư hỏi thăm cụ. Cụ cảm kích gởi
thư cám ơn trường và con bé. Nó tự nghĩ làm
như vậy chứ không ai chỉ dẫn đâu.
Lòng cảm thấy vui vui, về nhà hỏi thì nó nói:
-Thường thôi mà, ông cụ đã giúp tụi con thì
con nghĩ hỏi thăm lúc ông nằm viện chắc ông
sẽ phấn khởi, mau lành bệnh.

  • Sao con biết địa chỉ ông cụ mà gởi?
  • Thì đem ra bưu điện khu vực, ai cũng biết ông,
    Con trai của ông cũng đang làm ở đó.
    Thường ngày có rất nhiều người tốt quanh ta,
    giúp ta mà ta không cảm được cái tình nghĩa
    đó, cứ cho rằng “Atari mae”, họ làm là
    chuyện đương nhiên; trong khi con trẻ nó thấy
    cần có hành động đáp trả khi có thể, như là
    một chuyện bình thường. Cám ơn đất nước này
    đã dạy dỗ con tôi biết cách sống.

Chuyện thứ 3: cũng đã khá xưa, 20 năm trước
tôi đi giúp các thầy cô dạy trong các trường
tiểu học có học sinh VN ở khu vực Kobe và
Amagasaki. Đối với các em mới sang không hiểu
tiếng Nhật thì mình dịch lại những gì thầy
giảng dạy, giúp các em làm toán, luận văn v.v…
Với các em sinh ra tại đây thì thu xếp giờ dạy
tiếng Việt cho các em để đừng bị mất
gốc.
Một buổi sáng vào học, thầy chủ nhiệm cho các
em đổi chỗ ngồi theo chu kỳ 3 tháng một lần.
Sau khi đổi chỗ, các em sẽ quay qua bắt tay
những đứa bạn chung quanh mình và cất tiếng
“Yoroshiku” (Xin trân trọng… giúp đỡ nhau). Tuy
nhiên, một tình huống xảy ra ngoài suy nghĩ của
tôi, một cô bé VN mới qua Nhật, hơi chậm phát
triển một chút, đưa tay để một cu cậu Nhật
bắt, thì cậu quay ngoắt đi chỗ khác khiến tay
con bé trở nên ngượng ngùng. Tôi đi tới tính
nắm tay con bé thì thầy chủ nhiệm đã thấy
được cảnh tượng đó. Lập tức thầy gọi cu
cậu lên trên đứng, cho ngưng 3 tiết học để
chỉ giảng vấn đề đối xử nhau với tình con
người. “Em nghĩ thế nào nếu sau này em trở
thành một thanh niên, đi làm, đưa tay bắt mà
không ai bắt tay với em? Hãy suy nghĩ đi!”
Đợi thằng nhỏ thấm xong, thầy lại hỏi: -Do
suru? Làm sao đây?

Thằng bé tới chỗ con nhỏ VN, đưa 2 tay nắm và
nói: Gomennasai… (Xin tha lỗi).

Thêm một bài học, Trường Nhật họ đặt vấn
đề giáo dục con người lên trên thành tích. Bỏ
3 tiết học chỉ để giúp thằng bé thấy được
cái sai!

Câu  chuyện cuối: Ngày 11 tháng 3 năm 2011, loa
cấp báo sóng thần đang đi vào ven biển Iwate.
Các trường học sơ tán khẩn cấp. Trong lúc
thập tử nhất sinh, hàng trăm em học sinh của
một trường trung học cấp 2 phía trên cao đã
chạy xuống trường tiểu học phía dưới mạn
ven biển cách chừng 300m, để cứ từng đứa
lớn, nắm tay một đứa nhỏ chạy ngược lên
phía đồi cao, trước khi cơn sóng thần cao gần
30m ập vào xóa sổ.

Những đứa trẻ đó, sau này lớn lên, lúc nào
nó cũng nhớ, nó đã được cứu, thì nó phải
có bổn phận cống hiến lại cho đời. Dân tộc
Nhật cứ vậy mà duy trì cái tinh thần sống
thượng võ đã tiềm tàng trong con người của
họ. Cho dù không phải là tất cả.
Những câu chuyện đó, tưởng rằng nó là sản
phẩm đặc trưng của Nhật?

Không đâu, thế hệ tôi thời còn bé, trải qua
những lớp học của các trường Phật giáo. Công
Giáo tại VN… đã được dạy dỗ như vậy. Nó
chỉ trở thành của hiếm sau 75 vì các hệ thống
giáo dục tư nhân tôn giáo đã biến mất. Một
số bạn bè La San hoặc chủng viện Sao Biển của
tôi ngày xưa vẫn đang âm thầm bỏ công sức,
góp phần nhỏ nhoi xây dựng lại một thế hệ
biết “sống”. Tuy nhiên, để được hiệu quả
thì nó phải cần sự cộng tác tích cực từ
những người điều hành đất nước.
Năm nay, sau 42 năm cấm đoán, chúng ta nghe lại
bài “Ly rượu mừng” được hát rộn ràng trên
quê hương. Một ca khúc xuân vô cùng “nhân
văn”. Niềm hy vọng trong năm mới của tôi là
các trường học ngày xưa cũng được sống lại
như bài hát này.

Bài 2

Sự hào hiệp của Giáo hội Nhật Bản

36 năm trước chúng tôi lênh đênh trên biển khơi, được tàu vớt đưa tới Nhật.

Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ của tổ chức Caritas thuộc Giáo hội Công Giáo Nhật Bản, có lẽ chính phủ Nhật cũng chưa nghĩ đến việc nhận 10.000 người tị nạn, rồi sau đó nâng lên 30.000.

Không những can thiệp bằng những cuộc vận động kêu gọi người Nhật giang tay đón chúng tôi, Caritas còn xây dựng các trại tị nạn dưới sự trợ giúp tích cực của các Cha và các Sơ, điển hình là trại tị nạn Himeji với người Cha đã hy sinh cả đời cho tị nạn VN là Linh mục Harrie và trại tị nạn Misono thuộc thị xã nổi tiếng Fujisawa.
Rời trại, chúng tôi tự hứa trả ơn cho đất nước này bằng cách sống lương thiện… không dám nghĩ đến những đóng góp lớn lao, vì biết sức mình có hạn.
Vậy mà… chưa đóng góp bao nhiêu thì lại nhận thêm những sự hào hiệp mới. Hơn 30 năm sống ở đất Phù Tang, tôi được vinh dự tham dự lễ phong Chân Phước 2 lần. Lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2008 tại Nagasaki. Đây cũng là lần đầu tiên mà lễ phong Chân Phước được tổ chức tại Nhật; Lần thứ 2 là ngày 7 tháng 2 vừa qua tại sảnh đường Osaka-Jo Hall. Đặc biệt sự “hào hiệp” lần này là Giáo phận Osaka cho phép đưa một bài thánh ca Việt Nam vào đại lễ…

Không phải giáo hội Nhật thiếu bài hát, ngược lại có rất nhiều bài thánh ca kinh điển do những nhạc sư đã từng du học ở các viện âm nhạc nổi tiếng sáng tác. Tuy nhiên Đức tổng giám mục Osaka đã ưu ái hết sức đặc biệt cho cộng đoàn Việt Nam, và không chần chừ, tôi đã xin chọn bài “Tán tụng hồng ân” của Nhạc sư Hải Linh và L.M Vũ đình Trác theo sự ủy nhiệm của anh trưởng Liên cộng đoàn, để Đại ca đoàn Nhật Bản trình bày trong phần hiệp lễ. Nói là đặc biệt, vì đây là bài hát chiếm thời gian dài nhất trong buổi lễ.

Được tham dự 2 lần Đại lễ phong Á Thánh là Hồng Ân, được hát thánh ca VN trong buổi lễ hoàn toàn của giáo hội bản xứ là một Hồng Ân, được tôn vinh một người con trung kiên của giáo hội là Á Thánh Takayama Ukon cũng là một hồng ân.

Giữa những hồng ân đó, tôi nhớ tới những vị Tôi tớ Chúa, Đấng đáng kính Việt Nam đang chờ tiến lên hàng ngũ các thánh như Cha Trương bửu Diệp, Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận… Đặc biệt “lòng tham” của tôi còn lớn hơn bao giờ hết khi cầu xin Á Thánh Ukon cho tôi thêm một lần hồng ân nữa thôi, là được tham dự lễ phong Chân Phước Đức Hồng y Thuận, người tôi đã gặp không ít lần bằng xương bằng thịt và cũng là người đã có cuộc đời không được chấp nhận trên quê hương mình như Ngài Takayama Ukon

 

Thế Hy 71 (Japan)