Thú tiêu khiển Sao Biển 1: Câu còng

Hồi tưởng những năm tháng êm đềm của tuổi thơ Sao Biển cách nay nửa thế kỷ, xin kể lại chuyện “câu còng”. Đây không phải là một trò chơi (game) nên tạm gọi là thú tiêu khiển (hobby) .

Môi trường thiên nhiên thuở ấy của TCVSB còn khá nguyên sơ, mộc mạc như chính tâm hồn của những chàng thiếu niên “chưa tới tuổi nhổ giò” chúng tôi.

Vào những năm đầu thập niên 60, cơ sở TCV gồm dãy nhà chính một lầu, tận cùng phía đông là Nhà Nguyện sát bờ biển, nhà chơi (préau) chú lớn. Phía Tây là Nhà Bếp, Nội Vi của các Dì và nhà chơi chú nhỏ. Các sân thể thao đều nền đất và đất trống còn lại là đất tự nhiên vùng ven biển: cát và cỏ dại. Sinh vật hoang dã chủ yếu là con còng -tạm gọi là còng khô, để phân biệt với còng ướt nhỏ hơn sống sát mép nước biển. Còng khô sống trong những hang sâu tự đào, đi kiếm ăn chung quanh và để lại dấu chân rất rõ trên cát. Nhìn dấu chân mới ở miệng lỗ hoặc bắt gặp chú còng vừa chạy trốn, ta biết chắc có còng dưới lỗ để khởi sự buông câu.

Dụng cụ câu còng -hoặc gọi là cần câu, cho bài bản- làm bằng một cồi lá dừa lửa, ̣̣đủ lớn, dài và chắc chắn. Sau khi cạo chuốt sạch sẽ, cồi dừa được cắt bớt phần ngọn, gắn chặt vào đó một vòng dây cỡ lọt ngón tay cái. Loại dây tốt nhất là dây bao xi măng, quét thêm một lớp hồ keo để dây không quá mềm khi đưa xuống lỗ. Đầu lớn của cồi dừa là cán điều khiển. Anh nào có được một cần câu tốt, với óc thông minh nhạy bén và một bàn tay khéo léo tinh tế thì xứng đáng là cao thủ câu còng.

Ngồi bệt xuống bên lỗ còng, nhẹ nhàng đưa cần câu xuống -khéo léo như khi ngoáy tai vậy-. Khi bị chạm, còng sẽ đưa chiếc càng kẹp lớn ra để tự vệ. Nếu còng kẹp đúng vào vòng dây thì may mắn đã mỉn cười !́ Người câu sẽ nhanh chóng xoắn cần câu để vòng dây thắt chặt vào càng con còng. Khi kéo lên, thấy hơi nặng tay tức là còng đã dính câu. Niềm vui dâng cao theo từng nhịp kéo, nhưng không mạnh tay quá kẻo làm sút dây hoặc gãy càng còng. Hồi hộp, thích thú hoặc hụt hẫng vì đôi khi trúng con còng quá lớn hay quá mạnh nên nó trụ lại và chịu hy sinh chiếc càng.

Câu được con còng càng lớn càng hãnh diện, đem vào nuôi trong hộc bàn phòng học (Etude) để thỉnh thoảng mở ra ngắm một tí tìm vui. Đôi khi bỏ quên lâu ngày, còng chết, bốc mùi khai khai mới tá hoả. Hoặc nghịch ngợm hơn, có chú dán lên lưng còng một lời nhắn, một thông điệp hay một câu chọc ghẹo rồi thả cho bò lang thang khắp phòng. Thấy giám thị không biết của ai nên cũng phải cười trừ!

Thời đó, trong chúng tôi chẳng ai ăn thịt còng cả, cho dù khi nướng lên thì thơm phức và con còng là con vật khá sạch, thịt có lẽ ngon không thua thịt cua.

Năm 2008, tôi có dịp đi qua trường xưa, dừng xe trên đường PVĐ, đảo mắt nhìn qua cổng chính của trường VHNT và khoé mắt cay cay, thấy mọi sự đã hoàn toàn đổi thay oan nghiệt. Chỗ nào cũng là bê tông và nhựa đường cả. Bãi cát và các chú còng yêu dấu đã biến mất, hầu như tuyệt chủng. Quay lại bờ biển, cũng không còn nữa, dây rau muống biển, lá xanh như ngọc và hoa tím mượt mà của ngày xưa. Cũng chẳng thấy đâu bông hoa cỏ ngựa lồm xồm chia chỉa mà thời ấy chúng tôi thường thả lăn theo gió để đuổi bắt, dọc bờ cát dài trắng ngần của khu Đồi Dương-Thanh Hải.

Vĩnh biệt không gian kỷ niệm một thời thơ ̣ấu!!!

Nguyễn Văn Độ sb61