Không biết từ bao giờ và chấm dứt khi nào, phong trào “Nuôi Quy” du nhập vào TCVSB mang theo nhiều kỷ niệm buồn vui và cả những hương vị êm đềm quá đổi hồn nhiên của một thời thơ ấu khó quên! Hồi tưởng những năm đầu thập niên 60, xin lấy NK61-62 của lớp chúng tôi làm điển hình, vì có lẽ đó là cao điểm của thú tiêu khiển này.
Trước khi nhắc lại phong trào nuôi quy, thiết tưởng cũng nên ôn lại vài chi tiết về hoàn cảnh sinh hoạt thường ngày cũng như môi trường tâm sinh lý của các chú tiểu thời đó vì có sự liên hệ mật thiết với con quy.
Ngày tựu trường NK 61-62 là 24 tháng 7 năm 1961. Bốn mươi mốt chú tiểu, lính mới tò te từ nhiều miền tựu về TCV như những chú chim non vừa rời tổ của mẹ, khép nép và ngơ ngác, rụt rè trước những lớp đàn anh trông sao mà to lớn dạn dĩ quá! Sau một khoảng thời gian làm quen với cuộc sống mới, chúng tôi vẫn chưa vượt qua được nỗi buồn nhớ nhà da diết. Thậm chí có anh đang ngồi học bài bỗng dưng khóc oà lên, làm anh khác cũng muốn khóc theo!
Mỗi người rồi cũng phải làm quen với thế giới riêng nhỏ bé của mình: chiếc giường gỗ và giàn để vali phía dưới, hộc bàn riêng ở phòng Etude có nắp giở lên giở xuống chứa cả đồ để học và để chơi, chỗ quỳ trong Nhà Nguyện có hộc để sách kinh, sách lễ, sách hát như thầy tu chính hiệu, và chỗ̉ ngồi trong nhà cơm có hộc kín phía dưới để giấu cái ca, xiên muỗ̉ng và chiếc khăn ăn không mấy khi sạch sẽ thơm tho! Tội nghiệp mấy anh có tên mang vần cuối lớp Tám, khi có ai nằm nhà bệnh, lại phải ôm đồ nghề ̣đi ngồi ăn ké! Xin lỗi hơi dài dòng vì…quá nhiều chuyện để nhớ.
Sau cơm trưa, on fait la sieste. Trong cái tĩnh lặng mệt mõi và không khí oi bức của trưa hè cùng với tiếng cửa sổ kẽo kẹt nghe não nề và khung trời xa xa hiện qua dãy cửa, nỗi buồn nhớ nhà bộc phát mãnh liệt nhất. Chính lúc này, những con quy nhỏ bé trong cái hộp nho nhỏ là những người bạn tri kỷ. Thú tiêu khiển Sao Biển 2 :
Nghe truyền rằng: nuôi quy rất có lợi vì cứt quy chữa được nhiều thứ bệnh. Trong chúng tôi, chẳng ai biết cứt quy chữa bệnh gì, cũng chẳng bao giờ dám nếm thử cứt quy. Vậy mà anh nào có được bầy quy lớn, nhiều cứt thì hãnh diện lắm! Mơ một ngày “cứu nhân độ thế” không xa. Anh nào muốn xin giống để nuôi thì chỉ cần xúc cho một ít đủ thứ trong đó là tha hồ.
Con quy là côn trùng thuộc bộ cánh cứng (beetles) hình dáng giống con đôm đốm bay đêm nhưng màu trắng nhạt hơn. Sinh sản qua các giai đoạn biến hóa (metamorphosis) từ trứng qua ấu trùng và trưởng thành. Chính các giai đoạn biến hóa kỳ diệu này làm cho các chú tiều chúng tôi say mê ngắm và quên đi nỗi nhớ nhà. Cũng nhờ đó mà mấy năm sau, khi học Sciences Naturelles với cha Nédelec, chúng tôi không lạ gì đời sống côn trùng.
Muốn nuôi quy trước hết cần một cái hộp, có nắp đậy, càng đẹp càng quý. Đôi khi phải xin Ba mẹ hay anh chị tìm ở nhà mang vào cho. Vì thời đó tìm được cái hộp vừa ý không phải là dễ.
Thức ăn cho quy chủ yếu là bánh mì khô. Thỉnh thoảng mới có bánh mì trong nhà cơm, nhưng chúng tôi vẫn không quên dành phần cho quy. Nhớ Dì Mười thường hay ngồi ăn trầu vừa lần chuỗi vừa chơi với chó, nơi góc nhà, giáp nhà cơm và nhà Bếp, đôi khi ngoắt tay laị cho miếng bánh mì khô ̣để nuôi quy, thật quý hóa và thương Dì lắm lắm. Cũng nhớ Dì Khiết, người chuyên trồng hoa huệ trắng cho hai Nhà nguyện và phụ trách ̣đúc in bánh lễ. Dì rất hiền hoà dễ mến và thương các chú như con. Thỉnh thoảng Dì cho một ít “thèo lèo” bánh lễ để nuôi quy thì cả người nuôi và cả bầy quy đều thích thú. Xin Chúa thương các dì vì các dì đã thương chúng con!
Tuổi trẻ mau thích rồi cũng mau chán. Không biết phong trào nuôi quy suy thoái khi nào, nhưng chắc chắn các chú quy tội nghiệp ̣đã được trả vể với thiên nhiên sau khi chằng chữa bệnh được cho ai cả. Một điều hiển nhiên là những con quy ấy đã mang lại cho chúng tôi những niềm vui thật trong trắng đơn sơ. Chỉ tội nghiệp những chú lỡ dại mang hộp quy vào nhà Étude, để lén ngắm nghía, đã bị điểm chuyên cần Kém (Cha Bề trên xướng là Médiocre!!!).
Nguyễn Văn Độ sb61