Thú tiêu khiển Sao Biển 3: Chơi tem

Buổi sáng cuối tuần, thong thả dùng bữa điểm tâm với hai lát bánh mì và chút bơ đầu bò. Trước khi đứng dậy để ném cái hộp tròn vào thùng rác, tôi chợt dừng lại mân mê chiếc hộp và bỗng một loạt ký ức quá khứ hiện về̉: Đúng cái hộp này với Con bò cười toe toét và hai bông tai lũng lẵng của 50 năm về trước. Chỉ khác là dòng chữ The laughing Cow -mua ở Costco-thay vì La Vache qui rit nhập từ Nước Pháp xa xôi thuở ấy.

Bò ơi, mày vẫn cười tươi và trẻ trung như xưa, còn tao….! Nhưng không thể quên ơn mày đã mang đến một niềm vui rất nhẹ nhàng, êm đềm cho một thời tuổi thơ:

Thú tiêu khiển Sao Biển 3: Chơi Tem

Thật sự là chúng tôi đã chơi tem theo đúng nghĩa đen: Jouer avec des timbres. Vì không ai trong chúng tôi là nhà sưu tầm tem chuyên nghiệp cả. Chúng tôi bắt đầu gom góp ít con tem, khởi sự đựng trong một chiếc hộp, tốt nhất là hộp bơ Con Bò Cười mà ông Ba-người giúp bàn ăn các cha giáo- cách vài hôm,lại ném ra nhà chơi một cái cho các chú lấy đựng tem. Thích lắm!

Cũng như với hộp nuôi quy, chúng tôi cất hộp tem ở nhà ngủ hoặc kín đáo dấu trong hộc bàn phòng Étude, để thỉnh thoảng mở ra đếm đi đếm lại, ngặ́m nghía, mân mê những con tem ít ỏi ban đầu-đôi khi còn soi bằng kính lúp cho có vẻ bác học và khóai trá bình luận với bạn bên cạnh nữa-Đó chính là chơi tem theo nghĩa đen, do đó thú tiêu khiển này cũng làm hại điểm chuyên cần của nhiều chú tiều chúng tôi. Nhưng trên hết, những con tem vô tri này đã mang lại cho chúng tôi những niềm vui, ước mơ hồn nhiên trong sáng.

Tuổi trẻ không bao giờ thiếu ước mơ, nhất là khi khởi sự theo đuổi một việc gỉ. Chúng tôi đã nghe đàn anh SB kể lại và truyền tụng cho nhau rằng: Có người chơi tem trên thế giới trở thành triệu phú vì sở hữu ̉một con tem cổ quý hiếm không ai có. Do đó, đôi khi trong hộp tem của mình có một con tem màu vàng khè, củ kỹ, chúng tôi đã thả hồn tưởng tượng biết đâu có ngày mình sẽ giàu to!

Trước khi vào TCV, chúng tôi đâu có khái niệm gì về thú chơi tem. Bởi vậy, trong kỳ nghỉ hè đầu tiên tại quê nhà, mấy đứa bạn học cùng lớp trường làng đã ngạc nhiên trầm trồ về thú vui mới của tôi mà chúng nghĩ là của “dân Tây học”. Bởi năm trước đó, chúng tôi vẫn còn chơi các loại trò chơi để ăn “nắp keeng” (nắp bia hoặc nước ngọt đập bẹt ra) và ăn dây thun. Quả thật, những người đầu tiên khai hoá thú chơi tem cho chúng tôi, ngoài bạn bè, đàn anh và các thầy giám thị, phải nhắc đến trước tiên là cha Mollard Lễ, cha quản lý thời đó. Ngài khôn khéo dùng tem làm phần thưởng để khuyến khích các chú học. Sau khi có kết quả bài thi hằng tuần (gọi là composition) vào sáng thứ Tư, những chú nhất, nhì, ba sẽ vào phòng ngài nhận phần thưởng mấy con tem. Có lẽ cha Mollard đã khéo gom góp tem thư từ nhiều linh mục MEP trong CV cũng như từ nhiều nước trên thế giới vì chúng tôi thấy ngài có nhiều loại tem và luôn luôn là tem chưa gỡ khỏi giấy bì thư. Vào khoảng năm 1962, 1963 cha Mollard vể Pháp dưỡng bệnh, bằng tàu thủy của hãng MM từ Saigon sang Marseilles và ngài không trở lại nữa. TCV vắng bóng ngài từ thuở ấy. Nhưng chúng tôi, mỗi khi ngắm con tem ngài cho, vẫn nhớ hình bóng ngài một cách sâu đậm với nhiều mến thương.

Chúng tôi làm giàu kho tàng tem của mình bằng nhiều cách: lãnh phần thưởng, gom từ thư từ riêng, xin, hoặc trao đổi với các bạn mỗi khi mình có hai con tem giống nhau và còn dặn gia ̣đình ở nhà hễ có tem thì cất giữ cho. Thỉnh thoảng các chú được ban cho một ngày ̣đi ra ngoài chơi tự do gọi là sortie libre. Chúng tôi thường sang Nha trang, mặc dù trong túi đâu có nhiều tiền (theo quy định thì đầu năm các chú phải gửi tiền cho cha QL giữ giùm, và để mua đồ linh tinh nơi Boutique do anh Hoan phụ trách) chủ yếu là đi xem phố xá hoặc dạo phố ̣đúng nghĩa. Vào Nhà sách Nguyễn Lê ở đầu đường Phan bội Châu ̣để ngắm nghía những bộ tem tuyệt vời của nhiều nước theo séries: chim, cá, hoa lá….một cách say mê. Ai có tiền thì mua, không có tiền thì ngắm rồi đi ra cũng thích.

Chúng tôi phải học cách gỡ tem: ngâm trong nước vài giờ, gỡ nhẹ, nâng niu con tem, lau sạch lớp keo sau lưng, ̣đặt lên tờ giấy thấm chờ cho khô mới đem cất. Có bạn còn chuyên nghiệp hơn: không bao giờ dùng ngón tay đề cầm tem mà dùng một cái kẹp để gắp tem. Bạn nào hấp tấp thọc tay vào con tem sẽ bị “nhà sưu tầm tem chuyên nghiệp” mắng cho ngay!

Sau khi đã gom được khá nhiều tem vả hộp đã đầy, chúng tôi dủng album tem. Nói là album tem cho oai, chứ thật ra là một cuốn vở loại hơi đặc biệt một chút để dán tem theo từng quốc gia khác nhau. Trên thị trường có những cuốn album tem rất đẹp, không dán tem mà chỉ gắn vào từng hàng, nhưng khạ́ đắt, anh nào có tiền mới mua. Đa số chúng tôi dùng vở để dán tem. Nhưng rất cẩn thận dủng một chút giấy bóng làm chân phía sau lưng tem chứ không dán hồ thằng vào con tem. Có anh còn chịu khó hơn, làm những góc vuông nhỏ để giữ con tem như giữ hình chụp vậy. Thế mới biết là bao công sức và cả thì giờ…của Nhà Đức Chúa Trời đã được dành cho thú tiêu khiển này. Ôi tuổi thơ vô tội!

Trong CV thời đó, chúng tôi được biết một nhà sưu tầm tem chuyên nghiệp đúng nghĩa là cha Pouclet. Chỉ có một số chú được tận mắt chiêm ngưỡng kho tàng tem đồ sộ của ngài. Vì bề ngoài trông ngài có vẽ nghiêm khắc- chắc vì hàng lông mày của ngài có vẽ Trương Phi- nhưng ngài là một cha giáo rất dễ mến, có tính nghệ sĩ, khi chơi đàn phong cầm thì lắc lư như xuất thần. Ngài dạy Sciences Naturelles rất hay và chúng tôi đếm cứ hết ba điếu Bastos là hết giờ. Bụng ngài hơi lớn nên tàn thuốc làm lủng áo chùng của ngài nhiều lỗ! Nhớ cha Pouclet trong suốt thời gian ở TCV, vẫn dùng căn phòng mát mẻ nhất, phòng trệt trông ra biển của dãy nhà mới, vì không ai muốn ngài phải lên xuống cầu thang.

Trong bộ sưu tầm tem của chúng tôi, tất nhiên nhiều nhất là tem Việt Nam. Có cả vài con tem Miền Bắc in hình Hồ chí Minh nhưng giấy rất thô và màu vàng. Anh em chúng tôi có được nhiều bộ tem thời đầu của Việt Nam Cọng Hòa, như tem TT Ngô Đình Diệm, Dinh Diền, Khu trù Mật, Ấp chiến lược, Ngày Phụ Nữ, Hồng thập tự .v.v Giả sử còn giữ được tới nay thì cũng rất quý.

Nhưng, vì là thú tiêu khiển, hoàn toàn có tính tài tử (amateur) và gắn liền với một khoảng thời thơ ấu, nên thú chơi tem của chúng tôi tàn lụi lúc nào chẳng ai hay, khi mà chương trình học càng ngày càng nặng hơn, thú vui cá nhân thay đổi theo đà tiến triển tâm sinh lý…Chỉ đoán rằng có thể mỗi người trong chúng tôi, vào một ngày nào đó, đã tự nguyện đem cả gia tài tem của mình để biếu tặng m̉ột chú đàn em nào đó của lớp dưới, như ý nghĩa thâm trầm của một bài văn tuyển mà thầy Đào trí Cầu cho lớp chúng tôi học khi sắp mãn lớp Huitième để lên Septième: “Trao lại tuổi thơ”: Anh trao cho em buị chuối sau hè…..anh trao cho em……

Nguyễn Văn Độ sb61