Một thời Sao Biển – phần 1 (Nguyễn Văn Độ 61)

Kinh anh em,

Để góp phần nhỏ mọn vào Hội ngộ 55 năm SB-dù không có điều kiện tham dự-xin gửi đến AE  hồi ký” Một thời Sao Biển” (ba hoăc bốn kỳ) với một ước mong và cầu chúc đơn giản: Chúc ĐH thành công tốt đẹp về mọi mặt, nhất là tình SB thăng hoa.

Có gì sai sót (hoặc hơi nhột nhạt) xin AE tha thứ. Dẫu sao 50 năm cũng là khoảng cách vừa và đủ để gợi nhớ mọi điều. Cám ơn và kính chào.

NVĐ61

 

Một thời Sao Biển

(phần 1)

Nhớ về dĩ vãng , tôi xin ghi lại như một hồi ký tạp lục, về cộng đoàn Sao Biển kính yêu (gồm các vị ân sư, các dì, các người giúp việc và tất nhiên vai chính: các thế hệ tiểu chủng sinh chúng ta, cụ thể là từ năm 1961 đến 1967 mà người viết này có mặt)  trong bối cảnh sinh hoạt thường ngày cùng  một vài biến cố, sự kiện lớn, nhỏ, vui, buồn khó quên. Với một chủ đích đơn giản là ôn lại chuyện xưa, để cảm tạ và tri ân tình Chúa, tình Mẹ và tình người. Chúng ta, kẻ ít người nhiều, chỉ trải nghiệm một giai đoạn nào đó trong lịch sử 18 năm tồn tại của TCVSB (hoặc 22 năm nếu tính đến ngày bức tử: Tháng 6/1979). Hơn nữa, trí nhớ cũng rất vội vã từ biệt chúng ta ! Do đó, lẽ tất nhiên, bài viết này sẽ không tránh khỏi nhiều sai sót và nội dung lũng cũng, theo kiểu nhớ gì viết nấy, mong được anh em thông cảm và sửa sai, bổ túc.

Như người anh của chúng ta, anh Jos Ngô mạnh Điệp SB59, đã từng chia xẻ: “Thế hệSao Biển sẽ qua đi khi những người cuối cùng nằm xuống!”. Cuộc chơi nào rồi cũng kết thúc, không thể níu kéo được. Chi bằng hãy tìm về với nhau qua ký ức, kỷ niệm của một thời trai trẻ, khi mà chính lý tưởng cao quý nhất đã gắn kết chúng ta bên Mẹ, dọc theo dòng thời gian nhiễu nhương của thời cuộc. Những kỷ niệm ấy, dù tốt xấu thế nào dưới con mắt khách quan, thì -thiết nghĩ- đối với chúng ta là thân thương, quý giá. Bởi chúng là chất kết dính chúng ta lại với nhau, dù trong khác biệt, xa cách và không làm được gì nhiều, thì tình thương yêu đùm bọc nhau như con của cùng một Mẹ đã là điều đáng mơước. Trong tinh thần đó, tôi mạnh dạn xin phép gợi lại chuyện” Một thời Sao Biển”. Và rất trân trọng gửi đến anh em trong những ngày chuẩn bị Đại hội 55 năm SB.

Vào năm 1961, khi lớp chúng tôi tựu trường, đoạn đường QL1 từ cầu Hàra tới cầu Xóm Bóng chưa có căn nhà nào cả. Hai bên đường toàn là đầm lầy và cỏ lác. Cầu Xóm Bóng vẫn còn là cây cầu từ thời Pháp thuộc, lưu thông  một chiều. Từ Cầu Xóm Bóng tới Đồng Đế, hai bên đường nhà cửa khá thưa thớt. Dễ nhớ nhất là ngã ba lên Thánh Kinh Thần Học viện Tin Lành và Hòn chồng, rồi đến Nghĩa trang Phật giáo ờ chân Núi Sạn, nơi màkhông khi nào lặng tiếng đục đá lóc cóc. Bên phải là Cô Nhi viện Tin lành rộng rãi, ngăn nắp và rợp mát bóng dừa. Đi tiếp là Nghĩa trang Bắc Việt, không rộng lớn, nhưng khá tươm tất với những ngôi mộ xây cất hòan chỉnh. Không rõ nghĩa trang này thuộc những dòng họ nào từ Bắc vào định cư khá sớm tại Nha Trang, có lẽ trước phong trào di cư1954-1955. Đi tiếp vài trăm mét, về phía tay phải, du khách  cần tinh mắt một chút đểnhận ra tấm bảng chỉ dẫn đúc bằng xi măng, đầu đường Nam Thông: Tiểu chủng viện Sao Biển 1 Km. Phía trái QL là một sân đá banh khá tốt, nơi mà đội banh SB đã nhiều lần được nể phục…

Phương tiện giao thông thời trước đảo chánh 1963: Từ Phan Thiết, Bình Tuy các chú tiểu chúng tôi thường dủng xe lửa, tuy chậm nhưng rất thanh bình và thơ mộng, từ Ga Phan Thiết xuống đổi tàu tại ga Mường Mán. Chúng tôi thoải mái đi lại, không say xe, ngắm cảnh đẹp quê hương, nói chuyện vui đùa và thưởng thức nhiều món ăn hàng rong các miền. Hoặc có thể đi xe đò dọc theo con đường Cái Quan QL1 trên những chuyến xe tên nghe đã quen một thời: Phi Long, Tiến Lực.v.v. Từ Phan rang, Ba Ngòi ra, có thểdùng xe đò loại Renault, Peugeot của Pháp. Đường hẹp nhưng vẫn th́ú vị và an toàn, ít tai nạn. Từ Diên Khánh-Thành có xe ngựa và xe lam. Từ Vạn Giã, Ninh Hoà đi vào có xe Renault Ninh Hoà, lúc nào cũng lũng lẳng người đứng trên bậc lên xuống, tay giữ chặt vào vành sắt trên mui xe. Khi lên đèo Rù Rì, tưởng chừng như xe có thể chổng ngược vì trọng lượng phía sau. Trong nôi thành Nha trang và đi về Đồng Đế hoặc Cầu Đá-Chụt, có xích lô đạp, xe ngựa và  xe lam.  Phương tiện giao thông cá nhân: ngoài một số người khá giả có xe hơi của Pháp hiệu Peugeot, Citroen… Đa số mọi người dùng xe đạp, sang hơn thì có Mobilette, Velo Solex, xe găn máy của Đức-chưa có Honda của Nhật. Thỉnh thoảng bắt gặp vài chiếc Vespa của Ý́.

Đang nói về xe cộ, tiện nhắc luôn: Cha BT Jeanningros có chiếc xe Deux chevaux, cha Mai khặc Cảnh có chiếc xe “con cóc” khá mới (mấy năm sau ngài đã bị VC giết ở Mêpu Bình Tuy, cũng trên chiếc xe này!)  Còn các cha giáo khác dùng Mobilette hoặc xe Goebel, Sachs của Đức. Cố Pouclet nặng nề thế nhưng lại thích Solex. Vài năm sau, cha Nédelec cũng dùng một chiếc Deux Chevaux như cha BT. Riêng cha Clause (Cố Hồng) gắn bó suốt đời với chiếc xe đạp đen của Pháp, vững chắc như Đức Tin và lòng nhiệt thành của ngài. Thời đó xe hai bánh của các cha, nhất là các cố MEP, luôn luôn có hai cái cặp hai bên porte-bagage, như chúng ta thấy trong tấm hình có cha Huệ trên đường Độc lập 50 năm trước.

Con đường đất Nam Thông chạy qua thôn Thanh Hài, Quận Vĩnh Xương. Hai bên đường, nhà cửa không sang trọng, nhưng sạch sẽ tươm tất, nấp dưới những rặng dừa mát rượi. Ngôi nhà thờ nhỏ bé, khá cổ kính vì có lẽ được xây dựng sớm khi giáo xứ mới  hình thành. Điểm nổi bật của Thanh Hải là những vườn rau xanh quanh nhà, tươi mát bốn mùa. Vì chưa có máy bơm, người trồng rau phải dùng quang gánh hai thùng múc nước dưới ao, chạy theo luống rau để tướỉ. Tuy gần sát bãi biển nhưng đào chổ nào khoảng ba bốn mét cũng có nước ngọt dồi dào quanh năm. Nhớ cái giếng dành riêng để uống của TCV phía trước, cạnh con đường vào phòng Cha Bề trên lúc nào cũng ngọt lịm và hai cái giếng tắm giặt của chú lớn chụ́ nhỏ dùng cho hơn trăm người không khi nào cạn, để có thể kéo gàu cần cẩu liên tục.

Trước khi ra tới bờ biển, tại ngã tư cuối cùng trên con đường Nam Thông đất đỏ- nay là đường Bắc sơn-, nơi góc Đông Bắc, thời đó có một dãy nhà trệt gọi là Trường Tiểu học Nam Thông. Hầu hết các bác xích lô và xe lam quen biết tên trường Nam Thông hơn là chủng viện SB, nên chúng tôi vẫn xin cho xuống trường Nam Thông. Một vài năm sau, ngôi trường này bị phá bỏ (có lẽ vì trường Trinh Vương của các dì MTG Quy Nhơn đã bắt đầu hoạt động) và trên miếng đất ấy chúng tôi thấy một thầy già dòng Phanxicô trồng rau, bầu bí một thời gian.

Đi tiếp khoảng 200 mét, dọc theo một bờ tường đúc bằng xi măng, qua chiếc cổng sơn màu đỏ sẩm phía phải là toà nhà chủng viện nấp dưới những hàng dừa và phi lao rì rào gió biển. Nếu chưa muốn vào CV, đi tiếp sẽ gặp phía trái là con đường dẫn vào Dòng Kín. Năm 1961, các chú TCV được tham dự lễ khánh thành nhà dòng. Được cho phép đi khặp nơi trong khuôn viên dòng, cảm nghiệm bẩu khí đạo đức thánh thiện và trên tay cầm bông hồng có hình Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Dòng Kín không nằm sát biển, vì còn cách nhà của ông Võ Sĩ. Ông là nhà thầu ̣rất được Đức cha Piquet tin tưởng,  giao cho việc xây dựng TCV, Dòng Kín Carmelo và Dòng Khiết Tâm Bình Cang, nên cả ba cơ sở này có kiểu kiến trúc giống nhau.

Cây cối của vùng cát này chủ yếu là dừa, mọc rất tốt. Ngoài ra còn thấy người ta trồng một ít cây Na (măng cầu) và nhãn nhưng không thích hợp lắm. Riêng CV, trong khu Bếp của các dì, có một cây Me khá cổ thụ, có lẽ có trước khi xây CV. Hiện nay cây me này chắc chắn đã bị đốn rồi.

Phía Bắc, dòng Kín giáp sân vận động của trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, nên các chị cũng được chia sẽ tiếng hô luyện tập thao trường và tiếng đạn mã tử (tức đạn giả) đì đùng, đểcác chị biết rằng chiến tranh trên quê hương một ngày một ác liệt hơn và không ngừng cầu nguyện cho hoà bình. Tiếng chuông Truyền Tin ngày ba lần, từ tháp chuông dòng Kín vẫn nhắc nhở mọi người hướng lòng lên cùng Chúa, không khi nào thiếu vắng. Môĩ sáng sớm, cha Lagrange tuyên úy dòng, đầu đội mũ béret đen (ngài bị hói cao, dễ dị ứng thời tiết), từ CV băng qua chiếc cổng nhỏ để sang dâng Thánh lễ cho nhà dòng. Vào khoảng cuối thập niên 60, CV xây thêm một nhà khách lợp ngói đỏ sát cổng nhỏ này vì phòng Parloir, kề bên cầu thang, nhỏ quá không đủ dùng.

Đi ra sát bờ biển, du khách sẽ thấy phía sau Nhà Nguyện của TCV với lối kiến trúc tổong, xoè ra như hình nan quạt. Đó là những ô bàn thờ phụ của thời tiền Công Đồng Vatican II , vi thời đó chưa có lễ đồng tế. Mỗi lớp giúp lễ cho một cha giáo. Nhớ năm 61-62, lớp Huitième chúng tôi giúp lễ cha Mai khắc Cảnh. Các chú đọc tiếng latinh đã nhanh mà vẫn còn thua ngài: Kinh Cáo mình, chúng tôi chỉ cần xịp xịp,ngắc ra ngắc vào và đấm ngực ba cái là Amen! Cũng nhớ chuyện cha Mollard Lễ-là cha quản lý của CV, khoảng năm 1962, ngài về Pháp dưỡng bệnh và không trở lại nữa- Ngài là cha giáo duy nhất mặc áo chùng mà bên trong luôn luôn là quần soọc. Một hôm ngài tập giúp lễ cho các chú nhỏ, anh Hoàng Pierre lớp 7 thực tập. Lúc truyền phép, theo phụng vụ tiền CĐ Vatican II, anh quỳ phía sau, nắm áo chùng của cha giơ cao lên lòi cả quần soọc, làm ngài thẹn đỏ mặt còn các chú cười ngã nghiêng.

Xin mời du khách đi trở lại để vào thăm CV. Qua chiệc cổng gỗ màu huyết dụ, là căn nhà ngói nho nhỏ của ông Ba, người có nụ cười rất dễ mến. Ông giúp bàn ăn các cha một thời gian khá dài. Về sau không biết ông sống và mất ở đâu. Phị́a cực Nam của CV là hai căn nhà ngói nhỏ dành cho các gia đình người giúp việc trong CV. Nhớ Bác Quý ở căn nhà góc sân banh này. Vào năm 1969, 1970 tôi gặp và biết gia ̣đình bác vào định cư tại giáo xứ Hoà Nghĩa, cùng với dân đồng hương của bác từ Quãng Ngãi vào, theo cha Võ ngọc Nhã. Bác làm sở Mỹ và mất tại đây. Còn Bác Thiện cũng giúp víệc cho TCV một thời gian. Bác có người con trai cùng tuổi chúng tôi, bị bệnh tâm thần bẩm sinh, gặp ai cũng cười, nhất là thích cười với các chú. Chúng tôi gọi là”người hạnh phúc nhất thế gian” vì chằng bao giờ thấy anh ta buồn phiền cả. Không thể quên được Bác Hiển-Ba của Hòa và Thuận-là vị ân nhân đặc biệ́t của TCV trong nhiều năm. Ngoài việc lái xe Peugeot mỗi ngày, bác còn là người tháo vát lo hầu hết mọi chuyện lớn nhỏ, kề cả việc bảo trì trong CV. Vào thời cha Nguyễn công Phú làm quản lý, CV có cái cổng bằng sắt sơn xanh, đẹp hơn và nằm ngay chính giữa tòa nhà  với hàng chữ lã lướt: Tiểu chủng viện Sao Biển. Đi qua cổng chính, nếu không rẽ theo con đường đất hình chữ U vuông góc dẫn tới phòng cha Bề trên ở phía trái, hoặc tới phòng cha Quản lý bên cánh phải, thì chúng ta bước vào khuôn viên Mẹ Sao Biển hình tròn, nằm ngay chính giữa tòa nhà CV. Núi Đức Mẹ ghép bằng đá san hô và nền công viên rãi sạn san hô trắng. Bức tượng thạch cao trắng cao khoảng 1m20 ̣được đặt mua từ Pháp, được design có góc cạnh, theo một mẫu mã độc đáo, khó bắt gặp một nơi nào khác ở Việt nam thời đó. Nên con cái SB vẫn tự hào về nét đặc trưng này của tượng Mẹ Sao Biển. Công viên này được xây dựng vào khoảng năm 1964 và cùng với cổng chính, tồn tại tới  khi TCVSB bị bức tử. Bức tượng Mẹ Sao Biển của chúng ta, sau khi được “di tản” về Hà Dửa theo cha BT, tức Đức cha phó Phêrô, vào tháng Sáu  năm 1979, an vị trong hy vọng và đợi chờ, hiện nay ngự trị tại ĐCVSB Nhatrang như một khẳng định cho sự che chở của Mẹ trên các thế hệ con cái Sao Biển.

Về chuyện xây dựng, không thể̀ không nhắc đến một ông nhà thầu ở Nha Trang. Ông được cha Gervier khá tin tưởng, đặt làm cột bóng rỗ và các công trình ống dẩn nước (Plumbing). Ông có chiếc xe van khá cũ kỹ và biết nói tiếng Pháp, đủ dùng cho nghề nghiệp. Chúng tôi gọi đùa ông là “Monsieur Par-ci par-là làbas ici” và đoán mò hồi xưa ông là lính Tây hoặc làm đồn điền Cao su! Chỉ tiếc rằng sau hai sân bóng rỗ khá tốt, đến cái thứ ba, cạnh nhà nguyện sát bờ biển, hai bảng bị xéo, không chịu nhìn nhau mà cái này quay  lệch sang Đông, cái kia nhìn méo sang Tây! Thành ra cái sân ấy cũng bị các chú thất sủng nhiều.

Dọc theo bờ biển, có trồng nhiều cây dừa đã khá cao và nhiều trái , bên trong một hàng rào cột đúc ximăng kéo kẽm gai chạy dài suốt chiều dài khu đất của CV. Về sau cả dừa và hàng rào bị sóng biển triều cường đánh sập nên CV xây một bờ kè bằng đá chẻ và hàng rào cọc sắt khá tốn kém và trồng lại dừa phía trong bờ kè (có lẽ thời cha Ngọc làm QL) nhưng vào thời cuối của TCV, các cọc sắt cũng bị gỉ sét, đứt chân và đổ ngã.

(còn tiếp)

Nguyễn Văn Độ sb61